Xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên: Huy động tốt các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Đăng ngày 20 - 08 - 2014
100%

Gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), cả hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên cùng vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, trở thành phong trào thi đua tại các địa phương. Diện mạo nông thôn thực sự có bước đổi mới, chuyển biến khá toàn diện.

Là xã khá thuần nông, điều kiện kinh tế của nhân dân xã Vân Du (Ân Thi) còn khó khăn nhưng với phương châm “không làm quá sức dân” trong triển khai xây dựng NTM, xã đã huy động được tối đa nguồn đóng góp từ nhân dân để làm đường giao thông nông thôn. Những con đường liên thôn, liên xóm được chia thành từng đoạn, mỗi đoạn làm một khoảng thời gian nhất định trong năm để huy động sự vào cuộc của nhân dân được thuận lợi hơn. Với cách làm này, công sức, kinh phí các hộ dân đóng góp trong mỗi đợt làm đường vừa phải, phù hợp với thu nhập nên người dân vui vẻ tham gia. Với cách làm sáng tạo ấy, chương trình xây dựng NTM được đông đảo nhân dân xã Vân Du chủ động nhập cuộc với tinh thần “nhà nhà làm NTM, người người làm NTM”. “Tích tiểu thành đại”, đến nay xã đã huy động được khoảng 35 tỷ đồng từ nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, tu bổ và sửa chữa các công trình. Chỉ tính riêng năm 2013, xã đã huy động 3,5 tỷ đồng làm đường giao thông thôn xóm, trên 2 tỷ đồng làm thủy lợi nội đồng và vận động được 31 hộ hiến trên 600 m2 đất làm đường giao thông. Ông Lê Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Du cho biết : “Để huy động sự đóng góp của người dân xây dựng NTM, bên cạnh công tác tuyên truyền, cách làm dân chủ, công khai, minh bạch thì một yếu tố có vai trò quyết định đó là “không làm quá sức dân” có như vậy người dân vui vẻ, phấn khởi hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Khi người dân ủng hộ thì việc khó khăn đến mấy cũng hoàn thành”.
 
Nhân dân xã Đình Cao (Phù Cừ) phá dỡ tường rào, hiến đất làm đường giao thông

Nhân dân xã Đình Cao (Phù Cừ) phá dỡ tường rào, hiến đất làm đường giao thông

(Ảnh tư liệu)

Không phải là xã điểm trong xây dựng NTM, nhưng với cách triển khai “từ làm điểm sang diện rộng”, đến nay xã Đình Cao (Phù Cừ) đã hoàn thành được 16 tiêu chí NTM. Một trong những thành công xây dựng NTM ở Đình Cao là huy động sức dân thực hiện chương trình “dồn điển đổi thửa”. Thực hiện chương trình này, xã chọn một thôn làm điểm, mỗi thôn lại chia thành từng nhóm, đội sản xuất. Các đội sản xuất họp bàn với dân và đi đến thống nhất về các phương án dồn, đổi, hệ số K, sau đó tiến hành dồn ruộng trên thực địa. Sau một vụ sản xuất, thấy việc canh tác trên thửa ruộng lớn dễ dàng, thuận tiện, người dân ở khác thôn, đội khác hưởng ứng làm theo. Hiện nay, 70% hộ dân trong xã đã canh tác ở một thửa ruộng. Trong quá trình dồn thửa đổi ruộng xã vận động người dân hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, góp khoảng 900 triệu đồng làm bờ vùng, bờ thửa, san phẳng ruộng đồng. Ngoài ra, xã Đình Cao còn vận động người dân đóng góp xây dựng 8 phòng học tại Trường Tiểu học Đình Cao B, xây dựng 4 phòng chức năng tại Trường Tiểu học Đình Cao A, mua sắm trang thiết bị các nhà văn hóa thôn, xây dựng trường Mầm non của xã….

Vân Du và Đình Cao là hai trong số rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh huy động tốt nguồn lực trong dân để xây dựng NTM. Thực tế đó cho thấy, ở nơi nào cán bộ, đảng viên nhiệt tình, trách nhiệm; công việc tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của nhân dân, tiến trình xây dựng NTM thuận lợi hơn. Để huy động tối đa nguồn lực xây dựng NTM, ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho các địa phương xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh còn lồng ghép các chương trình, dự án, tạo cơ chế về vốn cho các địa phương đầu tư, trong đó việc xử lý đất dôi dư, xen kẹt được để tại xã 100% đầu tư xây dựng NTM và tỉnh hỗ trợ xi măng cho các công trình giao thông nông thôn được ví như “vốn mồi” kích thích, động viên sự hăng hái đóng góp của nhân dân trong làm đường giao thông nông thôn. Sau gần 4 năm tập trung xây dựng NTM, toàn tỉnh huy động vốn từ doanh nghiệp 2,5 nghìn tỷ đồng; từ cộng đồng dân cư 12,7 nghìn tỷ đồng; từ nguồn khác (con em xa quê, từ thiện…) 43 tỷ đồng… Trong quá trình dồn thửa đổi ruộng, nông dân dành hàng trăm nghìn mét vuông đất, đóng góp trên 36 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Từ các nguồn vốn trên, gần bốn năm qua toàn tỉnh đã có trên 900 phòng học được nâng cấp, xây dựng; xây mới, cải tạo hàng chục nhà văn hóa xã, thôn, công trình thể thao; làm mới, nâng cấp trên 800km đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo trên 230 công trình lưới điện trung thế; cải tạo, nâng cấp hàng chục chợ nông thôn; tỷ lệ hộ dân có nhà kiên cố ở khu vực nông thôn đạt trên 95%; xây dựng 134 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh…

Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân
Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân

Cùng với việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM, tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập - vấn đề then chốt, một trong những nội dung cơ bản nhất của NTM. Bởi vậy, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; đề án phát triển giống cây trồng vật nuôi năng suất, chất lượng cao; dự án duy trì và nâng cao hệ thống sản xuất giống lúa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015; đào tạo nghề cho gần 10 nghìn lao động, duy trì và phát triển 59 làng nghề với các ngành nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, may, thêu, dệt, tơ tằm, chạm bạc, chế biến lương thực thực phẩm, mộc dân dụng… Từ đó góp phần cải thiện mức sống người dân, đến năm 2013 thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt trên 30,5 triệu đồng, tăng trên 6 triệu đồng/người so với năm 2011; năm nay phấn đấu mức 35 triệu đồng/người. Anh Nguyễn Thanh Hùng, xã Yên Phú (Yên Mỹ) chia sẻ: “Được tỉnh hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà lai Đông Tảo, đến nay trang trại của gia đình tôi thường xuyên nuôi trên 1.500 con gà Đông Tảo và gà lai Đông Tảo. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất bán trên 2.200 con gà Đông Tảo và gà lai Đông Tảo giống; mỗi năm xuất bán trên 2 tấn gà thịt… Từ chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng, cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt”. 

Thực hiện quan điểm đầu tư cho nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập để nhân dân vừa được cải thiện cuộc sống, vừa có điều kiện để đầu tư trở lại xây dựng NTM, đồng thời với cách làm dân chủ, công khai, minh bạch, nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng NTM khá thuận lợi, mỗi năm có thêm từ 3 – 4 tiêu chí NTM được hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương cán bộ, đảng viên chưa thực sự quyết tâm, chưa có cách làm sáng tạo nên việc huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM còn có những hạn chế nhất định. 

Tin mới nhất

Khai mạc Chương trình truyền dạy Hát Ca trù năm 2024 (25/03/2024 9:28 SA)

Hội nghị tập huấn: “Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi...(16/03/2024 7:39 SA)

3 nghệ sĩ của Hưng Yên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ Nhân dân,...(07/03/2024 8:40 SA)

Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên năm 2024(01/03/2024 8:16 SA)

Chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới 2024(15/02/2024 7:31 SA)

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên trưng bày chuyên đề “Chợ Tết Việt”(02/02/2024 2:35 CH)

Tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024(12/01/2024 2:29 CH)

Sôi nổi hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(29/12/2023 3:52 CH)

°
72 người đang online