Xây dựng gia đình văn hóa

Đăng ngày 05 - 11 - 2019
100%

Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Yêu thương được lan tỏa thì hạnh phúc sẽ mãi đong đầy. Đó chính là bí quyết để gia đình ông Nguyễn Văn Đáp, thị trấn Ân Thi (Ân Thi) trở thành gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh, được Trung ương biểu dương. Những cử chỉ chăm sóc, yêu thương của cha mẹ dành cho con và thái độ hiếu kính của con cháu với ông bà, cha mẹ là yếu tố quan trọng để các thành viên trong gia đình ông Đáp gìn giữ nề nếp gia phong. Ông Nguyễn Văn Đáp chia sẻ: Muốn giáo dục con, cháu chăm ngoan học giỏi, biết kính trên nhường dưới thì cha mẹ phải sống mực thước, lấy chữ “tâm” làm tín, chữ “đức” làm trọng. Để gia đình hòa thuận, sống vui vầy, chan hòa thì mỗi thành viên trong gia đình phải biết nhường nhịn, thương yêu nhau.

Niềm vui trong gia đình văn hóa ở huyện Khoái Châu

Xây dựng gia đình văn hóa không chỉ là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi địa phương trong tỉnh đều có những cách làm hay, sáng tạo để triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa một cách hiệu quả. Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống bạo lực gia đình xã Việt Hòa (Khoái Châu) là một điển hình. Sau 15 năm hoạt động, CLB đã kịp thời tư vấn, hỗ trợ, hòa giải cho nhiều trường hợp mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình, trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều phụ nữ. Nhờ sự khéo léo của các hội viên, nhiều gia đình đã giữ gìn được sự đầm ấm, hạnh phúc, tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết, gắn bó, an ninh trật tự được bảo đảm. Chị Nguyễn Thị Nhàn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “CLB sinh hoạt định kỳ hằng tháng với các nội dung tuyên truyền về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; những nét đẹp, cách ứng xử trong gia đình, cách nuôi dạy con; đồng thời lên án, phê phán các hành vi bạo lực gia đình và các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế… Thông qua hoạt động CLB, các cặp vợ chồng có thêm hiểu biết, nhận thức, sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết”. 

Nhận thức rõ vai trò quyết định của gia đình trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội mới, trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã trở thành một trong những nội dung quan trọng hàng năm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và trở thành phong trào thi đua toàn diện, sâu rộng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở, Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa; chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều hoạt động, hội thi, hội diễn văn nghệ với chủ đề xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình…Qua đó, giúp mọi người cùng chia sẻ những cách làm hay, cùng lan tỏa những việc làm có ích trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Ở các địa phương, các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được các hội, đoàn thể lồng ghép thành các phong trào thi đua thu hút đông đảo hội viên tham gia như: “Gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội liên hiệp phụ nữ, “Gia đình cựu chiến binh văn hoá” của Hội Cựu chiến binh, “Gia đình trẻ hạnh phúc” của Đoàn thanh niên... Bên cạnh đó, các địa phương tích cực vận động người dân đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, việc tổ chức đăng ký và bình xét danh hiệu gia đình văn hóa bảo đảm công khai, dân chủ, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 91% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Các gia đình văn hóa đều là những hạt nhân tích cực trong nhiều cuộc vận động, các phong trào thi đua, là những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, cũng là điểm tựa vững chắc trong việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại địa phương.

Xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Chính vì thế, để phong trào xây dựng gia đình văn hóa bền vững thực chất, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa phong trào. Đặc biệt, công tác bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” cần tiến hành một cách nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn để những hộ được nhận danh hiệu cảm thấy tự hào và những gia đình chưa đạt đều muốn phấn đấu vươn lên. 

Tin mới nhất

Lan tỏa những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu(16/01/2024 2:06 CH)

Gương người phụ nữ mẫu mực trong công tác và chăm sóc gia đình(11/01/2024 3:21 CH)

Chuyển biến trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (11/01/2024 3:13 CH)

Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030(13/10/2023 3:17 CH)

Tổng kết 5 năm phong trào xây dựng gia đình văn hoá và biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất...(27/06/2023 4:22 CH)

Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn...(26/12/2020 8:51 SA)

Triển khai nhiệm vụ phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2020(10/01/2020 3:58 CH)

Thành công của phim về đề tài gia đình(23/12/2019 9:22 SA)

°
49 người đang online