Nếp sống đẹp ở xã Thành Công

Đăng ngày 05 - 12 - 2019
100%

Về xã Thành Công (Khoái Châu) chúng tôi ghi nhận cách làm hay của địa phương, nhiều năm kiên trì để xây dựng một nếp sống đẹp ở nông thôn.

Cảnh quan nông thôn mới xã Thành Công (Khoái Châu)

Qua câu chuyện với ông Đỗ Văn Hòa, công chức văn hóa – xã hội xã chúng tôi được biết, trước đây, cũng như bao làng quê khác, người dân ở xã Thành Công cũng có nhiều phong tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội như cưới xin thật to, ma chay thật lớn, kéo dài nhiều ngày, thách cưới trăm cau nghìn cau, loa đài to, nghĩa trang chưa có quy hoạch, mạnh nhà nào nhà đấy xây... Nhưng hôm nay, ở Thành Công đã có sự thay đổi lớn, xây dựng được nếp sống đẹp trong đời sống sinh hoạt văn hóa: Đám cưới bỏ mời thuốc lá, bỏ thách cưới, không loa đài quá cỡ và quá giờ; đám hiếu không loa đài ầm ĩ, không ca kèn, không ăn uống linh đình, thôn nào cũng có nghĩa trang đồng bộ, xây dựng quỹ hiếu toàn xã, trên 90% số gia đình có người thân qua đời đăng ký hỏa táng; lễ hội tiết kiệm, văn minh, không cờ bạc, rượu chè...


Đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết: “Có được nếp sống đẹp, văn minh như hiện nay là cả một thời gian dài địa phương vào cuộc, huy động sự tham gia của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ cùng các đoàn thể, vừa tuyên truyền, vận động bỏ cái không hay, vừa khuyến khích thực hiện, nhân rộng cái hay, cái đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân. Mưa dầm thấm lâu, từ làng xóm đến dòng họ rồi đến từng gia đình, khi đã hiểu, đã làm thì như một phong trào thi đua ngày một lan rộng, đem lại giá trị thiết thực cho mỗi gia đình”.


Trong việc cưới, các thôn, các dòng họ phối hợp cùng các đoàn thể của địa phương tuyên truyền, vận động từng gia đình thực hành tiết kiệm, bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống đẹp. Hủ tục thách cưới được loại bỏ, lễ cưới được tổ chức theo hình thức tiết kiệm, gói gọn lượng khách mời, không sử dụng âm nhạc quá lớn, bỏ mời thuốc lá. Những nền nếp này được cụ thể hóa trong hương ước, quy ước của các làng. Xã, thôn thống nhất với tất cả các gia đình, khi con em đến đăng ký kết hôn sẽ cam kết với địa phương thực hiện đúng quy định của xã, thôn trong việc cưới. 

Trong việc tang, từ năm 1994, xã đã xây dựng được quỹ hiếu – dùng lo việc tang ma cho các gia đình trong xã. Quỹ được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của nhân dân, mỗi người từ 18 tuổi trở lên sẽ đóng 5kg thóc/năm, mức đóng quỹ duy trì đến lúc qua đời. Hiện nay, quỹ không thu thóc nữa mà quy ra tiền, tương đương 25 nghìn đồng/người/năm. Trước đây quỹ được giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam xã quản lý, từ năm 2008 đến nay giao cho UBND xã quản lý. Khi gia đình người dân trong xã có người thân qua đời, chỉ cần báo với trưởng thôn là mọi việc sẽ được mọi người chung tay lo liệu, gia đình giảm bớt lo toan, chi phí. Thôn đứng ra thành lập ban tang lễ, cắt cử người phục vụ từ đội nhạc hiếu, liên hệ đặt vị trí mộ tại nghĩa trang, hợp đồng hỏa táng... với mức giá đã hợp đồng trước với địa phương, người dân không lo phải trả chi phí cao. Mặt khác, nhờ có quỹ hiếu, mỗi năm nguồn quỹ đạt khoảng 120 triệu đồng, mỗi trường hợp người dân qua đời, gia đình được chi trả 2,6 triệu đồng. Trước đây, các gia đình có việc hiếu thường tổ chức tới 3 ngày, chưa kể việc ăn, uống, cỗ bàn, kéo theo nhiều chi phí, nhiều người phục vụ. Nay chỉ gói gọn hơn 1 ngày, cỗ bàn loại bỏ, gia đình chỉ làm cơm phục vụ con cháu ở xa, giờ giấc nhạc hiếu theo quy định của địa phương. 

Nghĩa trang nhân dân ở xã Thành Công hiện nay đều đã được xây dựng theo quy cách nghĩa trang đồng bộ, thẳng hàng lối, tiết kiệm diện tích. Thay vì chi phí hàng chục triệu đồng để xây cất mộ to, đồ sộ, mỗi nhà mỗi hướng, nay người dân chỉ phải chi phí không quá 2,2 triệu đồng. Tại các khu nghĩa trang, 2 bên đường là cây xanh bóng mát, quang cảnh sạch đẹp, nơi an nghỉ của người quá cố đều thẳng hàng lối. Năm 2019, địa phương có 34 người qua đời thì 32 người được người thân đưa đi hỏa táng, an nghỉ tại các nghĩa trang đồng bộ.

Từ năm 2011, xã đã có hình thức khuyến khích các gia đình có người thân qua đời đưa đi hỏa táng, chôn cất tại nghĩa trang đồng bộ. Mỗi trường hợp, xã trích ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng; 2 năm sau giảm xuống 1 triệu đồng/trường hợp. Từ năm 2015 đến nay, xã đã không còn phải hỗ trợ nữa, nhân dân trong xã đều tự ý thức thực hiện. 

Nếp sống đẹp ở Thành Công trong việc cưới, việc tang không chỉ giúp các gia đình tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường, không gian làng xóm, mà còn tạo nếp sinh hoạt cộng đồng ấm áp tình làng nghĩa xóm. Mỗi khi nhà có việc, sự tham gia giúp đỡ của dân làng giống như một sự sẻ chia quý báu. Xã hiện có 3/3 làng được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa, trên 90% số gia đình trong xã được công nhận là gia đình văn hóa. Nếp sống văn minh, đời sống văn hóa ở Thành Công càng góp phần xây dựng nông thôn nơi đây thêm đẹp, thêm vui.

Tin mới nhất

Phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa trong phát triển(03/04/2024 3:30 CH)

Khai mạc Chương trình truyền dạy Hát Ca trù năm 2024 (25/03/2024 9:28 SA)

Hội nghị tập huấn: “Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi...(16/03/2024 7:39 SA)

3 nghệ sĩ của Hưng Yên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ Nhân dân,...(07/03/2024 8:40 SA)

Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên năm 2024(01/03/2024 8:16 SA)

Chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới 2024(15/02/2024 7:31 SA)

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên trưng bày chuyên đề “Chợ Tết Việt”(02/02/2024 2:35 CH)

Tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024(12/01/2024 2:29 CH)

°
64 người đang online