Phát triển văn hóa đọc từ gia đình, nhà trường

Đăng ngày 25 - 04 - 2020
100%

Trong thời buổi bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí nở rộ đã lấn át văn hóa đọc. Vậy làm thế nào để “ươm mầm” thói quen đọc sách trong thời đại công nghệ 4.0 là câu hỏi không dễ trả lời.

Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo. Thế nhưng, đã xa rồi cái thời mỗi người có một, hai cuốn sách “gối đầu giường” mà thay vào đó là những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng. Bởi lẽ, chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên máy tính, điện thoại có kết nối internet thì mọi thứ bạn muốn tìm kiếm sẽ hiện ra nhanh chóng. Chính vì sự tiện ích của công nghệ số mà hiện nay thay vì ra các hiệu sách để tìm mua các loại sách hoặc đến thư viện mượn sách, đa số mọi người lại tìm kiếm đọc sách trực tuyến vì nó vừa nhanh, vừa dễ lại đỡ tốn kém. 

Dạo quanh các nhà sách trên địa bàn thành phố Hưng Yên có thể nhận thấy lượng sách phục vụ nhu cầu đọc rất phong phú, hình thức bắt mắt nhưng đìu hiu, thưa vắng người tìm mua. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ hiệu sách ở đường Điện Biên (thành phố Hưng Yên) cho biết: Khách hàng tìm đến hiệu sách của chị chủ yếu để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập, chứ rất ít có khách hỏi bộ sách chuyên ngành hoặc hỏi mua sách để tìm hiểu về văn hóa lịch sử và trau dồi kiến thức. Trái lại với các hiệu sách, thư viện quán game hay những nơi vui chơi giải trí thì vô cùng nhộn nhịp. Hình ảnh của các em nhỏ với khuôn mặt hớn hở khi chuyền tay nhau những cuốn sách cũ rích, sờn gáy rồi ngấu nghiến đọc, rồi tụm năm tụm bảy tranh luận giường như rất thưa vắng.

Chị Ngô Hồng Vân, thư viện Vân Tùng đã nuôi dưỡng đam mê đọc sách cho con từ nhỏ

Thói quen đọc sách cần được bắt đầu từ gia đình. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ em được bố mẹ thường xuyên đọc sách cho nghe thì tình yêu sách của con cũng lớn dần theo năm tháng. Đó là chia sẻ của chị Ngô Hồng Vân ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu), chủ thư viện Vân Tùng - một trong 3 thư viện tư nhân của tỉnh. Trong khi một số người nghĩ rằng, đọc sách là vô bổ, tốn thời gian nên bắt con vùi đầu vào chuyện học hoặc vui chơi, giải trí bằng cách xem tivi, đi du lịch thì chị Vân lại hướng cho con mình niềm đam mê sách ngay từ nhỏ. Chính vì thế mà cháu Tùng, con trai chị Vân, hiện đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cũng sớm trở thành một “mọt sách” đúng nghĩa. Tùng đã cùng một số bạn trong trường sáng lập ra câu lạc bộ sách và hành động Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Qua cách hướng dẫn của mẹ, Tùng dần có được thói quen tự học và đọc sách. 

Cùng với gia đình, nhà trường chính là nơi lý tưởng để “ươm mầm” thói quen đọc sách cho giới trẻ. Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng xã hội học tập”, từ nhiều năm nay, thầy và trò Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (Khoái Châu) đã xây dựng được mô hình thư viện mở để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của học sinh. Cùng với thư viện chung của nhà trường, 100% số lớp học đã thành lập được mô hình thư viện thu nhỏ mang tên “thư viện lớp học”. 

Nét độc đáo trong các thư viện này, đó chính là tự mượn sách mà không cần đăng ký qua thẻ, tự trang trí hình dán ngộ nghĩnh mà không sợ bị trách mắng. Đặc biệt là học sinh tự quản lý, bảo vệ tủ sách, luôn có trách nhiệm giữ gìn sách và thực hiện quyên góp thường xuyên để làm tăng số lượng sách trong tủ sách. Mỗi thư viện lớp học được trang bị một tủ sách gồm trên 100 quyển phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò, sách do học sinh và phụ huynh quyên góp. Mỗi tuần, thường vào tiết sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ dành một khoảng thời gian nhất định để tuyên dương những học sinh có nhiều đóng góp cho tủ sách. Ngoài ra, hàng tuần, hàng tháng, tùy theo chủ điểm, nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động như: Thi kể chuyện theo sách, đọc sách kể về mẩu chuyện trong giờ chào cờ đầu tuần, tọa đàm “Sách và diễn đàn sống đẹp”; hướng dẫn và tổ chức cho các em viết cảm nhận mỗi khi đọc xong một cuốn sách, chia sẻ vào hòm thư điều em muốn nói, giáo viên đọc lựa chọn những bài viết hay giới thiệu và khen thưởng học sinh trước toàn lớp, toàn trường. Chính vì thế, học sinh trong trường rất hào hứng với việc đọc sách. Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ: Chúng em thường tranh thủ giờ ra chơi để đọc sách. Em thích đọc nhất là truyện cười dân gian Việt Nam, đọc truyện giúp em có tinh thần thoải mái trước mỗi giờ học.

Vẫn biết rằng, trong xã hội hiện đại, việc xây dựng thói quen đọc, cũng như gieo một hạt mầm, phải cần thời gian và phải đi từ những thao tác nhỏ nhất. Nhưng hy vọng rằng nếu được sự quan tâm của gia đình và nhà trường sẽ hình thành thói quen đọc sách cho mỗi người ngay từ nhỏ. Đọc một cuốn sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất. Những kiến thức trên các lĩnh vực của đời sống đều đủ đầy chứa đựng trong sách nên chỉ có đọc, mỗi người sẽ có được cảm nhận riêng, tích lũy được một kho tàng tri thức vô giá làm hành trang trong cuộc sống. 

Tin mới nhất

Khai mạc Chương trình truyền dạy Hát Ca trù năm 2024 (25/03/2024 9:28 SA)

Hội nghị tập huấn: “Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi...(16/03/2024 7:39 SA)

3 nghệ sĩ của Hưng Yên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ Nhân dân,...(07/03/2024 8:40 SA)

Hội báo Xuân Giáp Thìn tỉnh Hưng Yên năm 2024(01/03/2024 8:16 SA)

Chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới 2024(15/02/2024 7:31 SA)

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên trưng bày chuyên đề “Chợ Tết Việt”(02/02/2024 2:35 CH)

Tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024(12/01/2024 2:29 CH)

Sôi nổi hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên(29/12/2023 3:52 CH)

°
124 người đang online