Tăng cường quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch quốc tế

(TITC) – Sáng ngày 19/4, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Tọa đàm bàn về các giải pháp thu hút khách quốc tế. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng chủ trì tọa đàm, cùng dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; đại diện các vụ, đơn vị Tổng cục Du lịch và một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên toàn quốc.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong 3 tháng đầu năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số thị trường nguồn quan trọng như Trung Quốc (giảm 5,6%), Hàn Quốc (tăng 24,1%), trong khi tỷ lệ tăng của 2 thị trường này cùng kỳ năm 2018 lần lượt là 42,9% và 69,2%. Bên cạnh đó, một số thị trường khác ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc cũng đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Một số nguyên nhân được xác định ảnh hưởng đến tăng trưởng khách quốc tế như sự tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới; sự sụt giảm kinh tế của một số thị trường nguồn chủ yếu của du lịch Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…); cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trong khu vực về thu hút khách du lịch; xu hướng giảm hoặc chuyển hướng các chuyến bay thuê bao; sự quá tải hoặc bão hòa tại một số điểm đến, sân bay…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng phát biểu tại tọa đàm 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế năm 2019, Bộ VHTTDL đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp: Làm việc với Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Biên phòng) và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) về hoàn thiện phương pháp thống kê khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là khách du lịch đến bằng đường biển và đường bộ; Tổ chức và gặp gỡ một số doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không của Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc để bàn về phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá và tăng cường thu hút khách; Làm việc với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đón khách qua các cửa khẩu đường bộ. 

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh e-marketing (quảng bá trên các kênh trực tuyến) hướng cả tới đối tượng khách lẻ thông qua các mạng xã hội và trên các nền tảng dịch vụ trực tuyến.

Trong 9 tháng cuối năm, ngành du lịch tập trung nguồn lực tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, châu Âu…; tham gia hội chợ du lịch quốc tế như BITE Bắc Kinh, Sơn Đông (Trung Quốc); Hanatour (Hàn Quốc); WTM (Anh)… đồng thời đón tiếp các đoàn doanh nghiệp, báo chí sang khảo sát sản phẩm, điểm đến du lịch Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Công ty lữ hành Saigontourist chỉ ra một số nguyên nhân liên quan đến sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến trong quý I năm 2019 như: hạn chế về năng lực đón tiếp tàu du lịch lớn tại một số cảng biển, sự cạnh tranh của một số điểm đến mới nổi trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng sự cần thiết của việc quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua e-marketing nhằm đưa thông tin về du lịch Việt Nam đến với đông đảo công chúng quốc tế. 

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty du lịch Vietravel đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy khách quốc tế như nghiên cứu các điểm đến mới hấp dẫn (Phú Quốc, Quy Nhơn…); tham gia các hội chợ du lịch quốc tế trong khu vực và trên thế giới nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài…

Theo đại diện Công ty du lịch Phương Nam, một trong những hạn chế của du lịch Việt Nam hiện tại là trình độ chuyên môn và thái độ chuyên nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên. “Chúng tôi mong muốn được liên kết với các cơ sở đào tạo nhằm tìm được nguồn nhân lực du lịch chất lượng tốt, trong đó có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch” – đại diện Công ty du lịch Phương Nam bày tỏ.

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp liên quan đến chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến, sự quá tải của một số điểm đến truyền thống, giá cả và dịch vụ tại các sân bay; các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng lượng khách quốc tế; dịch vụ tại các điểm đến (như mua sắm, vui chơi giải trí...); thu hút dòng khách di lịch MICE...

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các doanh nghiệp. Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với nhóm giải pháp liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch sẽ triển khai thực hiện ngay như các chương trình xúc tiến quảng bá (gần đây nhất là tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Trung Quốc và kết hợp làm việc với một số hãng lữ hành Trung Quốc vào tháng 5 tới đây); làm việc với các ngành liên quan (như Bộ Giao thông vận tải về kết nối hàng không trong phát triển du lịch)… Các ý kiến tại tọa đàm ngày hôm nay là cơ sở để Bộ VHTTDL tổng hợp và báo cáo Chính phủ về các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.

Theo Cổng TTĐT Tổng cục Du lịch