Văn hóa ứng xử, từ gia đình đến xã hội (Kỳ 1)

NDĐT - Phải nói rằng tới hôm nay, sự xuất hiện của hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử đã và đang trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Để sớm khắc phục, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội nhằm củng cố, xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh. Và trong sự vào cuộc đó, nổi lên một vấn đề rất quan trọng là giáo dục ứng xử văn hóa trong gia đình - “bệ phóng văn hóa” đưa con người đến với xã hội…

Ảnh minh họa. (Internet)

Theo cách hiểu thông thường, văn hóa ứng xử là hành động giao tiếp bảo đảm tính văn hóa trong các quan hệ cụ thể, trực tiếp của con người, thể hiện qua thái độ, hành vi, cách thức sử dụng ngôn từ. Như vậy, văn hóa là yếu tố duy nhất vừa xác lập các chuẩn mực ứng xử, vừa quy định phẩm chất các ứng xử, vừa là tiêu chí đánh giá các ứng xử. Từ đó đã nổi lên một số vấn đề hệ trọng như: con người không chỉ ứng xử với người khác mà còn ứng xử với chính mình; quan hệ ứng xử của con người tỷ lệ thuận với quá trình trưởng thành, hết sức phong phú, sinh động song cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi mỗi người phải tự trang bị và phải được cộng đồng chủ động chuyển giao nhằm xử lý từng quan hệ cụ thể cho thật hiệu quả, để được cộng đồng trân trọng, đồng thuận, biểu dương. Và nếu coi gia đình là nhóm xã hội đầu tiên mà mỗi người là thành viên thì từ xưa đến nay, vốn liếng chuẩn mực ứng xử của mỗi người đều bắt đầu từ sự tích lũy trong quá trình dạy bảo, trao truyền, học hỏi trong gia đình.

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mọi trẻ em đều được chỉ bảo thái độ ứng xử với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác...; cách thức ăn mặc, nói năng, đi đứng,...; ý thức học hành, thái độ lao động, lựa chọn bạn bè,...; một số kỹ năng cần thiết cho cuộc sinh tồn về sau. Các chỉ bảo thường tiến hành qua sự nêu gương của người lớn; hoặc ông bà, cha mẹ sử dụng tục ngữ, ca dao, thành ngữ,... dạy bảo, nhắc nhở, duy trì kỷ luật trong gia đình, họ hàng. Từ rất sớm trẻ em đã biết: “Chim có tổ, người có tông”, “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, “Một lòng thờ mẹ kính cha - Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”, “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, “Gọi vâng, bảo dạ con ơi - Vâng lời sau trước con thời chớ quên”, “Chị ngã, em nâng”, “Anh em như thể chân tay - Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài - Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Ăn vóc, học hay”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Có con phải khổ vì con - Lấy chồng gánh cả giang sơn nhà chồng”... Lời dạy bảo thấm vào tâm trí, thành tâm niệm để khi lớn lên tham gia hoạt động xã hội, căn cứ vào tính chất từng quan hệ mà lựa chọn cách thức ứng xử phù hợp. Hiển nhiên, trẻ em có thái độ, hành vi, cách thức sử dụng ngôn từ không phù hợp hoặc đi ngược lại lời răn dạy sẽ bị đánh giá là “hư, hỗn”, thậm chí cộng đồng coi là “Con nhà không có người dạy”! Càng hiển nhiên hơn, nếu ông bà, cha mẹ có thái độ, hành vi, cách thức sử dụng ngôn từ vi phạm điều họ thường răn dạy con cháu, trở thành gương xấu trong gia đình sẽ bị phê phán, lên án. Chuyện kể về cái bát gỗ, về cây khế chính là sự cảnh tỉnh rằng người lớn sẽ phải nhận hậu quả tiêu cực nếu họ ứng xử trong gia đình một cách xấu xí. Các câu nói như “Nhà dột từ nóc dột xuống”, “Đục từ đầu sông đục xuống”,... cũng là dành cho các trường hợp như vậy.

Tiếp cận từ góc độ văn hóa, khó có thể bác bỏ một vấn đề có tính bản chất rằng gia đình chính là “bệ phóng văn hóa” để mỗi người đến với xã hội. Thực tế cho thấy các chuẩn mực ứng xử văn hóa trong gia đình chính là “tập” giá trị đầu tiên mà mỗi người thu nạp, sử dụng trong quan hệ gia đình, tộc họ. Khi các quan hệ xã hội mở rộng tới phạm vi láng giềng, tới các nhóm xã hội lớn hơn như làng, phố, trường học,… thì mỗi người lại phải thu nạp các chuẩn mực ứng xử mới để đáp ứng các yêu cầu của quan hệ mới. Và các lời răn dạy như “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Kính già, yêu trẻ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”,... tiếp tục được thu nạp, thể hiện trên phạm vi rộng hơn. Cứ như vậy trong gia đình và xã hội Việt Nam truyền thống, các quan hệ ngày càng mở rộng, và mỗi người ngày càng phải đảm nhận nhiều vai trò xã hội hơn thì “tập” giá trị, chuẩn mực văn hóa ứng xử tích lũy được cũng dày hơn, đa dạng hơn, tương thích từng quan hệ cụ thể: từ gia đình, thày cô, láng giềng, bạn bè,... tới bạn nghề, người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ, chính quyền, quê hương, đất nước... Để rồi, khi thành vợ hoặc chồng, họ lại có trách nhiệm lo toan gia đình, dạy dỗ con cái. Do đó, họ không chỉ là người thực hành mà còn là người truyền bá các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử, đồng thời là người nêu gương về văn hóa ứng xử. Trên thực tế, tùy vào quan hệ cụ thể mà họ có vai trò xã hội khác nhau, và để thực hiện tốt vai trò, họ phải sử dụng các chuẩn mực khác nhau song không thể nhầm lẫn. Như khi là con, họ phải ứng xử với cha mẹ theo chuẩn mực A, và là cha mẹ, họ phải ứng xử với con cái theo chuẩn mực B, tuy nhiên không được sử dụng A thay thế cho B, và ngược lại, không được sử dụng B thay thế cho A. Tương tự, không thể sử dụng chuẩn mực ứng xử vợ chồng thay thế chuẩn mực ứng xử với hàng xóm; không được ứng xử với thầy cô theo chuẩn mực của quan hệ anh em, bạn bè...

Việc mỗi người tiếp nhận, tạo lập cho bản thân “tập” giá trị có vai trò như bộ chuẩn mực ứng xử là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ với điểm xuất phát là gia đình. Nếu mỗi người tự giác tiếp nhận, thực hành các khuôn mẫu ứng xử trong gia đình, họ sẽ có các tập tính, thói quen cần thiết để tự giác tiếp nhận, thực hành các khuôn mẫu ứng xử mà cộng đồng làng, nước xác định, yêu cầu. Có thể nói phẩm chất văn hóa của mỗi người thể hiện rất rõ ràng, cụ thể qua ứng xử của họ trong cộng đồng, vì thế cung cách ứng xử trở thành một phương diện để cộng đồng đánh giá mỗi người. Nên không ngẫu nhiên, muốn tìm hiểu người nào đó, tiền nhân thường quan tâm đến nền nếp gia đình, gia phong, còn chàng trai xưa thì xao xuyến “Thấy em đẹp nói, đẹp cười - Đẹp người, đẹp nết, ra vào đoan trang”... Cũng không ngẫu nhiên tiền nhân nhắn nhủ “Trai khôn tìm vợ chợ đông - Gái ngoan tìm chồng giữa chốn ba quân”, vì khi ứng xử giữa “chợ đông”, giữa “chốn ba quân”, cô gái và chàng trai phải trực tiếp thể hiện các phẩm chất, bản lĩnh văn hóa, và cả sự tinh tế vốn có của mình.

Song dù đa dạng thì các quan hệ trong gia đình và xã hội Việt Nam truyền thống thường ít biến động, sự ổn định của mô hình tổ chức gia đình và xã hội đã chi phối tình trạng này, nên rất khó đưa tới nhu cầu mới, ít tạo cơ hội nảy sinh kiểu loại quan hệ xã hội mới. Còn ngày nay, xã hội Việt Nam đã bước sang thời kỳ mới với sự xuất hiện, phổ biến, thịnh hành của rất nhiều quan niệm sống mới, nghề nghiệp mới, làm nảy sinh một số chuyển dịch trong ứng xử gia đình và xã hội, dần dà làm mai một, thậm chí thải loại một số quan niệm, chuẩn mực ứng xử không còn phù hợp. Như khi quyền tự lựa chọn tình yêu, hôn nhân đã được xã hội khẳng định, việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” sẽ dần còn là vang bóng. Từ tình yêu đôi lứa đến kết hôn, đa số chàng trai, cô gái vẫn tham khảo ý kiến cha mẹ, người thân, nhưng yêu ai, yêu như thế nào, sau khi kết hôn gia đình sinh sống ở đâu thì họ lại là người quyết định. Khi vợ chồng mới cưới muốn ở riêng trở thành xu hướng phổ biến thì không chỉ tại đô thị mà cả ở nông thôn, tổ chức gia đình “tam đại, tứ đại đồng đường” cũng đã mai một. Sự mai một đã kéo theo một số chuyển dịch khác, như việc thực hành chữ “hiếu” chẳng hạn. Môi trường sống mở rộng khiến cơ hội mưu sinh cũng mở rộng theo, rời làng hoặc phố ra đi, người Việt Nam đến sinh sống trên mọi miền đất nước, thậm chí định cư ở nước ngoài, nên dâu hay rể trong gia đình không chỉ là người làng bên, nhà cùng phố mà có thể là người Thái, người Mường, người Tày,... thậm chí người Anh, Pháp, Mỹ… Hiện tượng đó khiến điều cha mẹ mong muốn “Con gái mà gả chồng gần - Có bát canh cần nó cũng đem cho” khó có thể đáp ứng. Để rồi khi con cái một năm hoặc vài năm mới về thăm nhà một lần, thì cha mẹ đành bằng lòng với việc con cái bày tỏ tình hiếu đễ bằng điện thoại, tin nhắn, email, chuyển tiền qua tải khoản, và tự an ủi đã được vui vầy bên con cháu với điện thoại video qua Viber, Zalo, WhatsApp, Facebook...

Quan trọng hơn, sự xuất hiện của nhiều kiểu loại quan hệ mới trong xã hội còn đặt con người vào những vai trò xã hội mới chưa từng có trong quá khứ, thí dụ: đảng viên, cán bộ nhà nước, nhân viên công sở, nhà nghiên cứu, doanh nhân, kỹ thuật viên, giảng viên đại học, giáo viên trường phổ thông và mầm non, học sinh, sinh viên, người bán hàng, công nhân, nông dân, quân nhân, công an, nghệ sĩ, người trực tiếp làm việc với công chúng (hải quan, thuế vụ, môi trường, điện, nước, bưu điện, thanh tra giao thông, nhân viên marketing...), thành viên đoàn thể hoặc tổ chức xã hội (công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên, hội sinh viên...)... Ở đó, tương tác đa dạng của các quan hệ xã hội buộc mỗi người phải giữ nhiều vai trò xã hội khác nhau. Ví như một người vừa là con, vừa là chồng, là cha, vừa là đảng viên, thành viên cơ quan công quyền, công đoàn viên... thì tùy vào tính chất, yêu cầu của từng quan hệ, mà người đó phải ứng xử theo chuẩn mực khác nhau: hoặc theo các quy định chặt chẽ (tư cách đảng viên, điều đảng viên không được làm, mười lời thề danh dự của quân nhân, tư cách công an, quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, nội quy doanh nghiệp...); hoặc nếu nghề nghiệp và sinh hoạt có liên quan sẽ phải thực hiện theo các tiêu chí đã được luật hóa và vi phạm sẽ bị xử lý (giáo dục, giao thông, quốc phòng, an ninh, báo chí, nhà ở, đất đai...); hoặc dù không có văn bản cụ thể nhưng lại được cộng đồng xác định phải ứng xử như vậy mới được coi là phù hợp đạo lý, mới được thừa nhận là người có hiếu, người sống có tình có nghĩa (như đối với cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, họ hàng, bè bạn, láng giềng, đồng nghiệp...).

(Còn nữa)

Theo: Báo Nhân dân Điện tử