Bảo tàng: Trưng bày lưu động chuyên đề “Giáo dục Hưng Yên – Xưa và nay”

Hiếu học và coi trọng tri thức là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngay từ thuở lập nước việc bồi dưỡng, trọng dụng người tài đã dần trở thành “quốc sách” của các đấng minh vương bởi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Nhưng để có được người hiền tài, tạo nguyên khí cho quốc gia thì phải đào tạo, phải vun trồng, bồi dưỡng, khuyến khích, tôn vinh việc học. Chính vì vậy, nhà nước phong kiến Việt Nam đã mở các khoa thi nhằm tuyển chọn người tài cùng với đó là rất nhiều các hình thức khuyến học. Từ khi khoa cử ở nước ta ra đời từ năm 1075 đến nay, thời nào cũng có những bậc hiền tài, họ đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, trấn hưng và làm rạng danh đất nước.

(Tập thể Ban giám hiệu cùng toàn thể giáo viên, học sinh trường THCS        Trưng Trắc, Văn Lâm tham quan trưng bày chuyên đề, tháng 3/2023)

Hưng Yên - mảnh đất văn hiến và hiếu học, nơi đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các văn nhân, võ tướng. Trong lịch sử khoa bảng, Hưng Yên tự hào là quê hương của 228 người đỗ đại khoa đứng hàng thứ 4 trong cả nước về cử nghiệp. Các nhà khoa bảng Hưng Yên đã cùng các nhà khoa bảng Việt Nam khác đã góp phần tô điểm thêm vào nền văn hiến lâu đời của dân tộc. Khi nhắc tới truyền thống hiếu học của Hưng Yên chúng ta không thể không nhắc tới những người con ưu tú, những nhân vật tiêu biểu mà sử sách đã lưu danh, đó là Trạng nguyên Tống Trân (? - ?) người xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, câu chuyện về ông được lưu truyền rộng rãi và trở thành truyền thuyết với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) người xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi nổi danh thần đồng, đỗ Hoàng giáp khi mới 16 tuổi, sau trở thành một nhà văn hóa, một nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc. Lê Như Hổ (1511 - 1581) người xã Tiên Châu huyện Tiên Lữ (nay thuộc xã Hồng Nam, thành Phố Hưng Yên) nổi tiếng với sự thông minh, hiếu học, làm quan tới chức Thượng thư dưới triều nhà Mạc, được thăng tước Quận Công. Phạm Công Trứ (1602 - 1675) người xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ làm quan Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các Đại học sỹ… Ngoài ra còn có các danh sĩ nổi tiếng khác như Đào Công Soạn, Hoàng Chính Bình, Đỗ Thuần Thông, Nguyễn Hằng, Dương Hạo… Tỉnh Hưng Yên sớm có người đỗ đạt trong khoa cử mà người mở đầu là Đỗ Thế Diên người thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, ông đỗ đầu khoa thi chọn người giỏi Thi Thư năm 1185, có nhiều cá nhân xuất sắc đỗ đạt khi tuổi còn trẻ như Nguyễn Trung Ngạn, đỗ Hoàng giáp khi mới 16 tuổi… Tại Hưng Yên còn hình thành các làng hiếu học, dòng họ hiếu học như họ Hoàng ở Ân Thi, họ Dương ở Lạc Đạo - Văn Lâm, họ Lê Hữu ở Liêu Xá - Yên Mỹ,…

(Tập thể Ban giám hiệu cùng toàn thể giáo viên, học sinh trường THPT Đức Hợp, Kim Động tham quan trưng bày chuyên đề, tháng 3/2023)

Vốn là tỉnh có truyền thống hiếu học, trọng người hiền tài, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã sớm xây dựng các di tích nho học, tôn vinh những người đỗ đạt. Đó là các các văn từ, văn chỉ hàng xã, hàng huyện và cả văn miếu hàng tỉnh. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn 18 di tích nho học, tiêu biểu như Văn miếu Xích Đằng phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên; Văn chỉ Bình Dân xã Tân Dân, huyện Khoái Châu; Văn miếu Liêu Xá, huyện Yên Mỹ; Văn từ thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi,…

Cách mạng tháng Tám thành công, Hưng Yên cùng với Nhân dân cả nước bước vào cuộc chiến mới chống "Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm", trong đó chống giặc dốt là nhiệm vụ quan trọng thứ hai, nổi bật là phong trào bình dân học vụ với mong muốn của Bác Hồ kính yêu là “Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”… Sự nghiệp giáo dục của Hưng Yên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vẫn được quan tâm chăm lo. Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Hưng Yên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm chăm lo việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học sinh; thực hiện nhiều hình thức khuyến học, khuyến tài nhằm chăm lo cho sự phát triển của giáo dục quê nhà. Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, góp phần to lớn vào việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Với ý nghĩa to lớn đó, được sự cho phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, Trường THCS Trưng Trắc, huyện Văn Lâm trưng bày chuyên đề "Giáo dục Hưng Yên - Xưa và nay". Nội dung trưng bày gồm 2 phần: “Giáo dục Hưng Yên từ năm 1075 đến năm 1945”“Giáo dục Hưng Yên từ năm 1945 đến nay”, được thể hiện qua hơn 100 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu giới thiệu tới các thầy cô giáo và các em học sinh về truyền thống hiếu học và khoa bảng của mảnh đất Hưng Yên văn hiến, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà. Đồng thời, tôn vinh những đóng góp to lớn của ngành giáo dục và đào tạo trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới.

(Học sinh trường THCS Trưng Trắc, Văn Lâm chụp ảnh lưu niệm tại không gian trải nghiệm trưng bày chuyên đề “Giáo dục Hưng Yên - Xưa và nay”, tháng 3/2023)

Qua trưng bày, Bảo tàng tỉnh mong muốn giúp các thầy cô giáo, các em học sinh Trường THCS Trưng Trắc, Trường THPT Đức Hợp có trải nghiệm mới mẻ, thêm hiểu biết về sự nghiệp giáo dục, sự học của mảnh đất và con người Hưng Yên từ năm 1075 đến nay.

Trưng bày diễn ra từ ngày 03/3/2023 đến ngày 09/3/2023./.

Doãn Thành

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
105 người đang online