21/02/2023 | lượt xem: 8 Công tác cải cách hành chính Nhà nước Trong thực tế hiện nay, nhiều người có thể được nghe cụm từ “cải cách hành chính” ở rất nhiều nơi. Nhưng không phải ai cũng thật sự hiểu chính xác về cụm từ này. Vậy Cải cách hành chính là gì? Cải cách hành chính là quá trình cải tiến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức…) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại. Kể từ khi Đảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, có thể chia cải cách hành chính nhà nước thành 5 giai đoạn chủ yếu sau: - Giai đoạn 1986 - 1995: Đây là giai đoạn xây dựng nền tảng cho cải cách hành chính. Hoạt động cải cách hành chính mặc dù được quan tâm nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của cải cách nhà nước nói chung để phục vụ cho quá trình bắt đầu chuyển dịch nền kinh tế. - Giai đoạn 1995 - 2001: Tại Hội nghị Trung ương 8 (Khóa VII), cải cách hành chính được xác định là trọng tâm của hoạt động cải cách nhà nước. Vai trò của cải cách hành chính đã được khẳng định và những hoạt động cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, trở thành động lực thúc đẩy tiến trình đổi mới. - Giai đoạn 2001 - 2010: Để cụ thể hoá định hướng CCHC của Đảng và Nhà nước, ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001 - 2010 xác lập khung pháp lý cơ bản cho các hoạt động CCHC của mọi cấp, mọi ngành trong giai đoạn 2001 - 2010. Bên cạnh mục tiêu chung là: “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Chương trình tổng thể cũng đã xác định 9 mục tiêu cụ thể, 5 nội dung cải cách hành chính (cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính), 7 chương trình hành động và 5 giải pháp thực hiện. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện. Việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã mang lại những kết quả to lớn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trên cả 5 nội dung. - Giai đoạn từ 2011 - 2020: là tính thực chất trong quá trình thực hiện với những bước đi, những giải pháp trọng tâm, tạo ra một diện mạo mới về thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. - Giai đoạn 2021 - 2030: Trên cơ sở đánh giá khách quan và nghiêm túc những thành tựu đạt được và những bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Ngày 15/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, xác định khung pháp lý cho chiến lược cải cách hành chính trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Với mục tiêu là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đánh giá thực tiễn cải cách hành chính nhà nước những năm qua, trong giai đoạn 2021-2030 Chính phủ xác định những nội dung cơ bản của cải cách hành chính sẽ tập trung vào 6 nội dung chủ yếu là: 1. Cải cách thể chế: nhằm tạo ra hệ thống hành lang pháp lý cho hoạt động hành chính nhà nước đầy đủ, chính xác, rõ ràng. 2. Cải cách thủ tục hành chính nhằm giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và cơ quan nhà nước với công dân và tổ chức trong xã hội theo hướng đơn giản, gọn nhẹ và công khai, minh bạch. 3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính đơn giản, gọn nhẹ, vận hành thông suốt từ trung ương tới cơ sở với chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các cấp hành chính không chồng chéo, trùng lặp. 4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là yếu tố cơ bản, quyết định tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, đây là một trong những nội dung được chú trọng nhất trong tiến trình cải cách hành chính. 5. Cải cách tài chính công: Cải cách tài chính công trong tổng thể cải cách hành chính có ý nghĩa quan trọng. Thực tiễn cho thấy các giải pháp ở các lĩnh vực khác chi có thể được thực hiện tốt nếu gắn liền với một cơ chế tài chính minh bạch và hiệu quả. 6. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: là xu hướng không thể phủ nhận trong bối cảnh cách mạng khoa học-công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ hiện nay. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ vào hoạt động hành chính nhà nước không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi phương thức làm việc của cán bộ, công chức, hướng tới một môi trường hành chính hiện đại. Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm có tính chất quyết định đối với việc đổi mới nền hành chính nhà nước trước sự chuyển biến sâu sắc của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và để cụ thể hóa Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 07/12/2021 của UBND tỉnh về CCHC nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về CCHC nhà nước tỉnh Hưng Yên năm 2023; Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về tuyên truyền CCHC tỉnh Hưng Yên năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản như: Kế hoạch số 75/KH-SVHTTDL ngày 24/12/2021 về Cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch số 54/KH-SVHTTDL ngày 28/12/2022 về Cải cách hành chính nhà nước năm 2023; Kế hoạch số 01/KH-SVHTTDL ngày 03/01/2023 về tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023; Kế hoạch số 07/KH-SVHTTDL ngày 18/01/2023 về Nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2023 để triển khai tổ chức thực hiện và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 của UBND tỉnh Ban hành quy định về văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 của UBND tỉnh về ban hành Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh Hưng Yên. Chính vì vậy trong những năm qua công tác cải cách hành chính của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật đó là Lãnh đạo Sở đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và chính quyền điện tử, chính quyền số. Cùng với đó, luôn quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính.... Để nâng cao chất lượng công tác CCHC trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra một số giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu sau: - Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện cải cách hành chính. Luôn xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực thi công vụ; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc từng phòng, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các phòng, đơn vị. Coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong cải cách hành chính. - Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức đúng, đầy đủ, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. - Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; quan tâm đến nâng cao lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các chế độ chính sách; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; cơ chế, chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính. - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, chính quyền số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước. Đỗ Hữu Nhân - Giám đốc Sở VHTTDL
Triển khai thực hiện "Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"