28/02/2023 | lượt xem: 3 Đặc sắc Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung (Lễ hội tình yêu) được tổ chức vào trung tuần tháng 2 âm lịch tại 2 xã: Bình Minh và Dạ Trạch (Khoái Châu) nhằm tưởng nhớ đến tình yêu bất tử của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Đồng thời, tôn vinh công lao của Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân đã mở mang bờ cõi, cứu giúp dân nghèo. Tương truyền rằng, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội), con trai của ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia. Vợ mất sớm, ông Chử Cù Vân ở vậy một mình nuôi con. Trong một lần bị hỏa hoạn, hai cha con chỉ còn một cái khố, phải thay nhau dùng. Chẳng bao lâu, ông Chử Cù Vân bị bệnh nặng, trước khi qua đời, ông dặn con hãy giữ chiếc khố cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố cho cha, còn mình chịu cảnh không quần, không áo, hằng ngày mò cua bắt cá kiếm sống ven sông. Thời ấy, Hùng Vương thứ 3 có cô con gái tên là Tiên Dung, đến tuổi cập kê mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Một hôm, thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo, lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, rồi xin được nên duyên vợ chồng. Sau khi kết duyên cùng Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung bị vua cha nổi giận không nhận con. Tiên Dung từ đó không dám quay về mà ở lại cùng chồng mưu sinh bằng nghề chài lưới, mở bến, lập chợ, cùng Nhân dân buôn bán tạo thành một khu vực giao thương sầm uất. Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử. Họ cùng nhau đi khắp vùng ven sông Hồng dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ… Trên đường cứu nhân độ thế, Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa vốn là công chúa Tây cung giáng trần, bèn kết nghĩa chị em, rồi xe duyên cho Chử Đồng Tử, cùng nhau giúp đời. Nàng Tây Sa dùng chiếc gậy thần và cái nón tiên xây dựng cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa. Có kẻ nịnh thần về tâu với Vua Hùng, vợ chồng công chúa Tiên Dung làm phản, lập thành quách và bờ cõi riêng. Vua Hùng hạ lệnh sai quan quân đến dẹp loạn. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cãi lệnh cha, chờ chịu tội. Khi binh lính nhà vua gần đến nơi, bỗng chốc một trận cuồng phong nổi lên, cả tòa thành cùng người đều bay lên trời, chỉ còn một dải cát giữa đầm lầy mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (đầm được hình thành trong một đêm) hay đầm Dạ Trạch… Cảm động trước mối tình bất tử, Nhân dân các làng ven sông Hồng ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ lập đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, tưởng nhớ công ơn của họ. Hiện nay, huyện Khoái Châu có 2 địa phương cùng có di tích thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung là đền Hóa, xã Dạ Trạch và đền Đa Hòa, xã Bình Minh. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung đ¬ược tổ chức hằng năm, từ ngày 10 đến 12/2 âm lịch. Tuy nhiên, với quy mô hàng Tổng (tổng Mễ xưa gồm 9 làng), nay thuộc 2 xã: Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang) thì 3 năm tổ chức một lần. Năm nay là năm diễn ra lễ hội hàng Tổng. Để lễ hội được tổ chức chu đáo, Ban tổ chức Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai từ tháng 1 âm lịch; thành lập các tiểu ban phục vụ lễ hội. Những ngày này, đội hình rước, văn nghệ ở các địa phương diễn ra lễ hội đang tích cực tập luyện: Múa rồng, múa lân, bát âm… Anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Mễ Sở (Văn Giang) cho biết: Chúng tôi đã tham gia đoàn rước kiệu phục vụ lễ hội nhiều năm, nắm rõ các nghi lễ và điểm dừng, đón của các đoàn. Tuy nhiên, với lòng thành kính lên Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân, công tác tập luyện vẫn được triển khai từ sớm để các động tác của thành viên trong đoàn được ăn khớp, hạn chế xảy ra sai sót, mong ước một năm thời tiết thuận hòa, Nhân dân sản xuất, buôn bán gặp nhiều may mắn. Mặc dù chưa đến ngày diễn ra lễ hội nhưng bà Phạm Thị Kiều Hương, du khách ở thành phố Hà Nội đã cùng gia đình đến dâng lễ tại đền Đa Hòa, xã Bình Minh. Bà Hương chia sẻ: Gia đình tôi rất háo hức chờ đến ngày diễn ra Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung quy mô hàng tổng. Chúng tôi rất vui vẻ khi được chứng kiến các đoàn rước kiệu trang nghiêm, thưởng thức các màn múa lân, múa rồng đặc sắc, điệu múa đĩ đánh bồng vui nhộn… Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là điểm du lịch, tham quan không thể thiếu của du khách trong tour du lịch Đồng bằng sông Hồng về với Hưng Yên. Với giá trị to lớn đó, ngày 2/2/2023, tại các Quyết định số 152 và 153 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội đền Đa Hòa, xã Bình Minh và Lễ hội đền Hóa Dạ Trạch, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với các giá trị di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật mà cha ông xưa đã để lại, đồng thời nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc để phát triển đất nước trong thời kỳ mới./. Theo: http://baohungyen.vn