29/12/2023 | lượt xem: 6 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 01/01/2024 kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động, những cống hiến to lớn và tư tưởng, đạo đức của Đồng chí đối với Đảng, cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đại tướng là người cộng sản kiên cường, bất khuất, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người chỉ huy mưu lược, tài trí của lực lượng vũ trang, danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, ông sinh ngày 01/01/1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm hoạt động cách mạng, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời cách mạng của Đồng chí là chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Ở cương vị nào, Đồng chí cũng tỏ rõ bản lĩnh cách mạng, càng gian khổ, càng bộc lộ rõ tố chất đặc biệt của nhà lãnh đạo tài năng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí quan niệm“Đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cái cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng”. Ở tuổi 17, Đồng chí được giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương; sau đó tham gia phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ những năm 1936-1939. Tháng 7/1937 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, ở tuổi 24 đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, tháng 9/1938, Đồng chí đã lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều. Đồng chí bị địch bắt nhiều lần vào các năm 1938, giữa năm 1939, giữa năm 1943, bị giam tại nhiều nhà lao ở Huế, Quảng Trị, Đắk Lắk, khi được thả tự do vì không đủ bằng chứng, khi đào thoát và được trả tự do sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945. Dù bị địch bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn nhiều lần nhưng với tấm lòng kiên trung của người cộng sản đồng chí vẫn gan dạ, kiên định, giữ vững quan điểm, bình tĩnh, chủ động, không quản ngại hiểm nguy, dũng cảm và sáng suốt để tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, thực hiện bằng được mục tiêu cách mạng. Đồng chí được lãnh đạo Đảng tin tưởng bầu, chỉ định vào nhiều cương vị ở các thời kỳ như: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh tháng 8/1945 tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, là Bí thư Xứ ủy Trung Bộ; Năm 1946 đến năm 1949 là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí Thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, Bí thư Liên khu ủy khu IV; Đầu năm 1950 được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, Tháng 7/1950 giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Chính ủy; Tháng 2/1951 được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vào Bộ Chính trị, tháng 7/1951 đến cuối năm 1960 được cử làm Giám đốc Trường Chính trị trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị); Đặc biệt, năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1960 được bầu vào Ban Bí thư Trung ương; năm 1961 được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương. Cuối năm 1964, giữ chức Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam. Đạo đức của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân, thương yêu, kính trọng Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Xuất phát từ quan điểm tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng kết: “Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả vì còn dân thì nước còn, mất dân thì nước mất”. Quán triệt sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn khẳng định: “Quân đội ta là quân đội của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”. Mặt trận Bình-Trị-Thiên là một minh chứng hùng hồn, sinh động cho quan điểm của Đồng chí về lòng dân, sức dân, trí dân. Với tư tưởng “Chúng ta phải tranh thủ từng người, tùng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”, Đồng chí đã chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích trong lòng dân, từ đó góp phần làm nên nhiều chiến công oanh liệt ở mặt trận Bình-Trị-Thiên khói lửa. Đường lối của Đảng trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là đường lối chiến tranh Nhân dân, toàn dân đánh giặc. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, noi theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định “chiến lược, chiến tranh Nhân dân chỉ có thể hình thành và vận dụng thắng lợi trên cơ sở biết dựa trên tinh thần, trên nguồn vật chất, trên đầu óc sáng tạo vĩ đại của Nhân dân, nhất là công nông”. Khi được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương năm 1961, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đang trong quá trình hợp tác hóa mạnh mẽ, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không sức mạnh nào có thể so sánh nổi sức mạnh của quần chúng trong lao động sản xuất. Phát hiện, tin, dựa vào sức mạnh, tài trí của Nhân dân đã làm nên một Nguyễn Chí Thanh với cách gọi trìu mến của Bác Hồ là “Đại tướng nông dân”. Đạo đức của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là những quan điểm và tấm gương sáng ngời về quyết tâm triệt để chống chủ nghĩa cá nhân. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người viết, nói, phân tích sâu sắc, lập luận khoa học, chặt chẽ về chủ nghĩa cá nhân và chống chủ nghĩa cá nhân. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên luận điểm nổi tiếng của Người là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Nắm vững những vấn đề lý luận căn cốt của chủ nghĩa Mác-Lênin liên quan đến chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cá nhân, khoa học về duy vật lịch sử, trăn trở với vận mệnh của đất nước, sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có nhiều bài viết tâm huyết có sức lan tỏa, thuyết phục, cảm hóa sâu sắc về chống chủ nghĩa cá nhân. Trong bài “Nâng cao tư tưởng xã hội chủ nghĩa, khắc phục chủ nghĩa cá nhân” (1957), Đồng chí đã vạch rõ nguồn gốc và hoàn cảnh phát sinh của chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biểu hiện, hình thái, tác hại và sự phát triển của nó, phân rõ ranh giới giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Những bài viết, bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chống chủ nghĩa cá nhân đề ra phương hướng khắc phục trên nền tảng là củng cố, tu dưỡng lập trường của giai cấp công nhân. Điều quan trọng nhất đối với mỗi người cách mạng là biết vì Đảng, vì Tổ quốc và đồng bào, đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết, trước hết phải quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Đạo đức của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương về bám sát thực tiễn, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu gương sáng về tác phong làm việc khoa học, thiết thực, cụ thể, gắn lý luận với thực tiễn. Với tinh thần thẳng thắn, chân tình, Đồng chí thường phê bình bệnh nói suông, lối làm việc qua loa, đại khái, hình thức, không đi vào thực chất. Đây chính là một khía cạnh chiều sâu trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người nhắc nhở “Đối với Nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông”. Trong quá trình chỉ đạo công tác nông thôn, với tác phong sâu sát, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, Đại tướng đã có những đóng góp quan trọng tạo nên luồng gió mới Đại Phong, một mô hình nông nghiệp điển hình khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong công tác đảng, công tác chính trị, cũng như trong chỉ đạo tác chiến, phát triển nông nghiệp, không chấp nhận tư duy rập khuôn, máy móc, giáo điều, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, luôn luôn đổi mới và sáng tạo, xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Bàn về việc cải tiến tác phong công tác, Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có mẫn cảm với cái mới, vứt đi những cái lạc hậu, lỗi thời, có như thế lãnh đạo của chúng ta mới có sức sống”. Cả cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sống trong sạch, vì dân, vì nước, không gợn chút riêng tư; một con người khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, sống đoàn kết, nghĩa tình, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào. Đạo đức trong sáng, mẫu mực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương cụ thể, gần gũi để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập. Đồng chí đã đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng ngày 06/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, sau khi ra Hà Nội báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động của các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương của một chiến sĩ cộng sản hết sức kiên cường, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là tấm gương của ý chí, nghị lực phi thường và tinh thần cách mạng tiến công chống mọi kẻ thù của giai cấp và dân tộc. Do có nhiều đóng góp xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Những ngày này, Đảng, Nhà nước và toàn dân đang long trọng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ noi gương, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./. Trần Thị Nga
Thông báo: Kết luận Thanh tra công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thị xã Mỹ Hào
Tuyên truyền và tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam