Đẩy nhanh chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành như: Cải cách hành chính, thư viện, bảo tàng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích, thúc đẩy phát triển du lịch.

Ngày 8/4/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-SVHTTDL thực hiện chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp được chia làm 5 nhóm, gồm: Chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số; kiến tạo thể chế về chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng số; phát triển nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. 
Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 28,4%, mức độ 4 đạt 68,2%; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận thông qua phần mềm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đánh giá hằng năm đạt 90% - 100%. 
Tập trung triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa Hưng Yên. Từ năm 2023 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện số hóa được 25 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt và di tích xếp hạng quốc gia. 
Đẩy mạnh số hóa cổ vật, hiện vật, hình ảnh, xây dựng cơ sở dữ liệu, từ nhiều năm nay Bảo tàng tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động như: Quản lý, kiểm kê, phân loại, bảo quản, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật, hướng tới xây dựng bảo tàng điện tử, mang lại những trải nghiệm mới cho khách tham quan. 
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thư viện tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Thư viện tỉnh tập trung khai thác, phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử (http://thuvienhungyen.vn) qua việc thường xuyên giới thiệu sách, báo, tạp chí; cập nhật các hoạt động của thư viện giúp người đọc nắm bắt kịp thời thông tin về nguồn tài liệu mới bổ sung; tra cứu thông tin cơ sở dữ liệu của thư viện qua mạng internet; thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện cấp huyện, tủ sách cơ sở về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thư viện, cài đặt phần mềm thư viện, xử lý nghiệp vụ sách, báo, tổ chức kho sách. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn triển khai số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, có giá trị. Đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa 51.730 trang dữ liệu địa chí; 7.233 trang dữ liệu báo, tạp chí; 200 trang dữ liệu tranh, ảnh, bản đồ; 36.650 trang tài liệu Hán Nôm… 
Trong phát triển du lịch, triển khai thực hiện Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh về thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch, Sở VHTTDL đã phối hợp VNPT xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng du lịch thông minh nhằm thông tin về các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, địa điểm mua sắm, các bài viết về du lịch Hưng Yên, các tiện ích; thông qua hệ sinh thái du lịch thông minh giúp cơ quan quản lý nhà nước về du lịch nắm bắt được số liệu về du lịch từ đó có thể dự báo, ra quyết định chính xác để tạo tính đột phá; đối với cộng đồng và du khách giúp nâng cao trải nghiệm trong hành trình du lịch; tra cứu, tiếp nhận thông tin nhanh chóng từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách; đối với doanh nghiệp giúp mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá góp phần tăng doanh thu, phát triển chuỗi sản phẩm hoàn thiện hơn để cung ứng cho du khách và công tác báo cáo cơ quan quản lý nhà nước được thuận tiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Triển khai lắp đặt bảng mã QR code thông tin du lịch tại các điểm du lịch trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách trên các ứng dụng công nghệ. Năm 2024, đã lắp đặt 11 bảng mã QR code thông tin du lịch tại các điểm. Cùng với đó, các nội dung, thông tin, hình ảnh nổi bật về các điểm đến du lịch, đặc sản ẩm thực, nhà hàng, khách sạn… và video clip giới thiệu về du lịch Hưng Yên luôn được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên http://hungyentourism.com.vn. Qua đó, giúp du khách thuận tiện tra cứu, tham khảo thông tin và nâng cao tính trải nghiệm.
Thời gian tới, để thực hiện chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đẩy mạnh số hóa di sản, tài liệu, hiện vật, bảo vật, trưng bày, triển lãm; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý vận động viên; xây dựng bản đồ số du lịch; chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức của ngành về nhiệm vụ chuyển đổi số; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành, xây dựng các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu, phục vụ nhu cầu tiếp cận, tra cứu, khai thác thông tin của tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Đồng thời, từng bước chuyển các hoạt động quản lý của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên môi trường số./.

Doãn Thành

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
13 người đang online