Gìn giữ nghệ thuật văn hóa truyền thống

Trong tâm thức văn hóa dân gian, sự phồn thịnh của Hưng Yên được so sánh với kinh đô Thăng Long “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Đây là mảnh đất nhân khang, vật thịnh, tập trung nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Đặc biệt là những làn điệu nghệ thuật truyền thống cứ ngày đêm ngân vang, lúc đầy, lúc vơi như tâm tình kể chuyện, là niềm tự hào cũng như đặt ra trách nhiệm cho các cấp, ngành, các địa phương trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa quý báu đó. 

Một lớp truyền dạy nghệ thuật hát ca trù tại xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên)

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 128 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, sự tích, thơ ca; 111 loại hình tri thức dân gian; 6 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu có thể kể đến là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát trống quân được bảo tồn, lưu giữ và đang phát triển ở nhiều xã trong tỉnh như: Dạ Trạch, An Vĩ, Hàm Tử (Khoái Châu); Tân Tiến, Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (Văn Giang); Đồng Than (Yên Mỹ); Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám (Ân Thi)… Để lời hát xưa không bị mất đi, năm 1993, câu lạc bộ (CLB) Trống quân Dạ Trạch (Khoái Châu) được thành lập với 8 thành viên ban đầu. Đến nay, sau hơn 30 năm duy trì hoạt động, CLB có 30 thành viên, tổ chức sinh hoạt đều đặn và tham gia nhiều buổi biểu diễn, các chương trình văn hóa, văn nghệ trong và ngoài tỉnh, đem về những tấm huy chương danh giá cho làn điệu trống quân. Các nghệ nhân trong CLB còn nhiệt tình truyền lại cho lớp trẻ cách hát trống quân thông qua các buổi học ngoại khóa tại trường học và các lớp bồi dưỡng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thanh Xuyên, thành viên CLB Trống quân Dạ Trạch cho biết: Từ năm 2023 đến nay, tôi đã tham gia truyền dạy cho hơn 300 học viên hát trống quân. Mong muốn của tôi là ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ yêu thích, biết đến hát trống quân, để loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này không chỉ là niềm tự hào của người dân Hưng Yên mà sẽ mãi được ngân lên và vang xa theo mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Trong những năm qua, huyện Kim Động là địa phương gìn giữ, khôi phục được nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống như: Chèo, hát chầu văn, xẩm và các trò chơi, trò diễn dân gian khác. Để bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống đó, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Kim Động giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, huyện đẩy mạnh công tác sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ trong Nhân dân để đáp ứng nhu cầu thực tế; xây dựng các CLB văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm; tích cực truyền dạy cho con em tại địa phương nhằm kế thừa di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó, huyện tăng cường tổ chức các hoạt động như: Liên hoan ca múa nhạc dân gian, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, liên hoan các CLB nghệ thuật... Hiện nay, toàn huyện đang duy trì hoạt động 99 tổ, đội, CLB nghệ thuật, trong đó có 30 CLB hát chèo.

Một cảnh trong vở chèo “Tướng quân Phạm Ngũ Lão” do các nghệ sĩ Nhà hát chèo Hưng Yên biểu diễn

Nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Văn Giang, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ... đã và đang gìn giữ được đa dạng các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn dân gian. Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống được kết tinh trong quá trình sinh hoạt, lao động, sản xuất của Nhân dân. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ và ngày càng khẳng định vai trò là sợi dây gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chương trình hành động để các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống được lan tỏa trong cộng đồng như: Kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát Ca trù và hát Trống quân giai đoạn 2014 – 2020; làm hồ sơ xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật của tỉnh, các CLB văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục, chương trình nghệ thuật để tham dự các hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu. Đồng thời gắn việc gìn giữ nghệ thuật văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Từ đó, tạo ra “sân chơi”, “đất diễn” để những người nắm giữ di sản, các nghệ nhân, câu lạc bộ có điều kiện được thực hành, biểu diễn các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 1 Nghệ sĩ nhân dân, 3 Nghệ sĩ ưu tú, 1 Nghệ nhân nhân dân, 34 Nghệ nhân ưu tú là những người trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc tới các địa phương.

Có thể thấy rằng, Hưng Yên với đa dạng các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, nếu được gìn giữ và phát huy tốt, không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn làm giàu thêm vào kho tàng di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Theo: http://baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
67 người đang online