08/12/2022 | lượt xem: 3 Hội nghị - Hội thảo đánh giá hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, giai đoạn 2017 - 2022 Sáng ngày 7/12/2022, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị - Hội thảo đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022). Tới dự và chỉ đạo Hội nghị - Hội thảo có các đồng chí: Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thu Hiền, Cục Trưởng Cục Di dản văn hóa; Đỗ Hữu Nhân - Giám đốc Sở VHTTDL. Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Hội nghị - Hội thảo nhằm đánh giá tổng thể công tác quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản (giai đoạn 2017-2022) tại các tỉnh, thành phố có di sản và trong cộng đồng người thực hành di sản. Đồng thời, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả quản lý đối với các Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh nói chung cũng như Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng. Từ đó, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới để tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO (giai đoạn 2023-2028). Sau 5 năm, với nỗ lực của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các nghệ nhân, cộng đồng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, di sản đã được quan tâm hơn; nghệ nhân, người thực hành di sản được tôn vinh; nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản được tổ chức trên cả nước. Sự ghi nhận của xã hội đối với di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn được thể hiện ở việc Nhà nước tôn vinh sự đóng góp của nghệ nhân đối với Di sản văn hóa nước nhà bằng hình thức phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Tính đến nay, qua 3 đợt xét tặng, đã có 6 Nghệ nhân nhân dân, 79 Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu. Tại Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước về Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; Vai trò của các nghệ nhân trong thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Vai trò của các tổ chức hội trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về Di sản văn hóa phi vật thể; Việc giữ gìn sự trong sáng trong việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ VH-TT&DL Nông Quốc Thành cho biết: Để di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, các nội dung của Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được Việt Nam cam kết với UNESCO, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn hoạt động quản lý, thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động trong cộng đồng văn hóa; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hành di sản; Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác quản lý nhà nước đối với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tổ chức các lớp truyền dạy, thực hành di sản; Tiếp tục vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phổ biến kiến thức về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng, công chúng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản, từ đó, chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể./. Theo: Ban quản lý di tích tỉnh
Tập huấn “Nâng cao kỹ năng nhận diện, xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh để bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu”
Hội nghị tập huấn: “Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2024”