16/08/2023 | lượt xem: 2 Hội nghị trực tuyến nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững Sáng ngày 15/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTDL chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có lãnh đạo các Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Tài Nguyên môi trường; Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Công thương, Văn phòng UBND tỉnh; Báo Hưng Yên; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Hiệp hội Du lịch; đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 5,6 triệu lượt (gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước); trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 4,9 triệu lượt người (chiếm 87,6% tổng lượng khách), khách đến bằng đường bộ đạt 633,5 nghìn lượt người (chiếm 11,4% tổng lượng khách), khách đến bằng đường biển đạt 55 nghìn lượt người (chiếm 1% so với tổng lượng khách). Số người Việt Nam xuất cảnh đạt 2,4 triệu lượt người, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82-NQ/TW về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững; Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2/3/2023 phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hội nghị đã được nghe đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam báo cáo nội dung giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, các nhiệm vụ do Bộ chủ trì thực hiện gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 do Bộ ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Theo đó, một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm bao gồm: Mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; Mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; Mô hình mua sắm, giải trí đêm; Mô hình tham quan du lịch đêm; Mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Bộ VHTTDL phê duyệt ngày 2/3/2023 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đề ra. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết và triển khai mô hình; đồng thời nhận định việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa chính thức có hiệu lực cho phép nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày. Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cảm ơn những ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội nghị, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và thách thức đặt ra cho du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Đồng chí đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung phát triển du lịch. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, hướng đến phát triển du lịch một cách toàn diện, sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch… hướng tới mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Bùi Thị Thành
Chương trình giáo dục ngoại khoá về những giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thống của đất và người Hưng Yên