27/02/2023 | lượt xem: 3 Khám phá các di tích lịch sử - văn hoá Mùa xuân đến, đất trời giao hoà, tiếng nhạc, tiếng trống hội mời gọi khiến lòng người thêm rộn ràng, náo nức. Cũng như bao miền quê trên mọi miền Tổ quốc, Văn Lâm lại mừng vui đón mời du khách thập phương về du xuân, vãn cảnh, khám phá bản sắc văn hóa của vùng đất ven đô. Chùa Nôm (xã Đại Đồng) là nơi được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến vãn cảnh, cầu bình an trong dịp đầu năm. Chùa Nôm cổ kính trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc cổ từ cổng tam quan, đến lầu chuông, lầu trống nằm đối xứng hai bên đường dẫn vào chùa, lầu Quan Âm, tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng, vườn mộ tháp bằng đá ong... Từng hạng mục công trình đều được thiết kế cân đối, hợp lý và hài hòa cùng thiên nhiên, cây cỏ, hồ nước trong xanh. Chùa có hơn 120 pho tượng Phật làm bằng gỗ và đất luyện với những kích thước khác nhau. Mỗi pho tượng được khắc họa một cách sống động từ trang phục đến những sắc thái biểu cảm như mỉm cười, giận dữ, trầm tư... Đến chùa Nôm, nhiều du khách không chỉ dâng hương lễ chùa, bày tỏ lòng thành kính cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân mà còn được chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp của ngôi chùa. Anh Nguyễn Quý Hiển (thành phố Hà Nội) cho biết: Vào dịp đầu năm mới, gia đình tôi thường bố trí thời gian phù hợp để về xã Đại Đồng dâng hương lễ Phật, vãn cảnh ở chùa Nôm. Về đây, chúng tôi còn bị cuốn hút bởi nét đẹp, sự bình yên của làng Nôm. Làng Nôm với những nét văn hóa cổ xưa của kiến trúc làng Việt: Cây đa, giếng nước, đường làng lát gạch đỏ son, mái đình rêu phong, nếp nhà cổ... mang lại cảm giác vừa thân quen, vừa yên bình. Để lại nhiều ấn tượng nhất với du khách khi đến thăm làng Nôm còn là cầu Nôm bắc qua sông Nguyệt Đức nằm giữa quần thể di tích cổ kính của làng Nôm. Cầu Nôm được làm hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, được tạo nên từ những phiến đá xanh lớn với nhiều nét chạm đục cầu kỳ và công phu. Hai bên thành cầu có các mỏm đá nhô ra được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Các phần của cầu như mặt cầu, chân cầu không kết nối với nhau bằng vật liệu liên kết và chỉ gác lên nhau nhưng phải trải qua bao biến thiên của thời gian, mặt cầu vẫn phẳng, cây cầu vẫn chắc chắn và vững chãi. Vì thế, cầu Nôm được đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của đồng bằng sông Hồng. Rời chùa Nôm đến với chùa Thái Lạc – Di tích quốc gia đặc biệt (xã Lạc Hồng), du khách tìm về với sự an yên, thanh tịnh. Chốn cửa Phật thiêng liêng giúp lòng người thanh thản và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ở đây, du khách còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc đặc sắc. Thượng điện chùa là một kho tàng về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc gỗ truyền thống của dân tộc, nơi đây còn lưu giữ được các bộ vì nóc và 20 bức cốn cổ chạm khắc nhiều đề tài trang trí hết sức phong phú, sinh động mang phong cách thời Trần mà ở đó có những tiêu bản là duy nhất. Ngoài ra chùa còn nhiều hiện vật có giá trị tiêu biểu như: 3 bia đá (thế kỷ XVI - XVII), chuông đồng (thời Nguyễn), gạch cổ (thời Mạc), tượng thần Pháp Vân (thế kỷ XVII)... Trên hành trình khám phá những di tích lịch sử - văn hoá của Văn Lâm, mời du khách ghé thăm ngôi chùa Hương Lãng (xã Minh Hải) cổ kính, thiêng liêng được xây dựng từ thế kỷ XI, nơi lưu giữ được nhiều hiện vật thời Lý rất đặc sắc và độc đáo, đặc biệt là Tượng sư tử đá và hệ thống thành bậc đá. Đến thăm đền Ghênh tại thôn Ngọc Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh), du khách thập phương được về với nơi lưu dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ tài, đức vẹn toàn, một bậc mẫu nghi thiên hạ đã suốt đời vì dân, vì nước. Văn Lâm là một vùng đất có lịch sử lâu đời, trên địa bàn huyện có 167 di tích lịch sử, 89 lễ hội. Số lượng di tích lịch sử - văn hóa phong phú cùng với nhiều làng nghề truyền thống chính là nguồn tài nguyên tạo nên tiềm năng du lịch của huyện. Năm 2022, huyện đã đón hơn 9.700 lượt khách về tham quan, vãn cảnh, lễ Phật. Để phát huy tiềm năng du lịch, huyện đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút khách đến tham quan du lịch tại một số điểm, di tích lịch sử có tiềm năng phát triển du lịch; chú trọng phát triển du lịch tâm linh, du lịch làng nghề. UBND huyện chỉ đạo các địa phương, Ban Quản lý di tích lịch sử tại các di tích, hiệp hội làng nghề tại các làng nghề truyền thống tăng cường các biện pháp bảo vệ các di tích lịch sử, bảo vệ hiện vật, cổ vật và bảo vệ môi trường du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang yếu tố thân thiện với môi trường. Hằng năm, các di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư tôn tạo, tu bổ chỉnh trang, nhưng vẫn bảo đảm giữ được các yếu tố gốc. Các lễ hội được tổ chức bảo đảm phần nghi lễ trang nghiêm, phần hội tổ chức hấp dẫn./. Theo: http://baohungyen.vn