Khơi mạch nguồn văn hóa

Theo tuyên cáo ngày 28.8.1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong nội các quốc gia, Bộ Thông tin Tuyên truyền được thành lập (sau đó ngày 1.1.1946 đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động) - Tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay. Từ đó, ngày 28.8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Văn hóa. 

Biểu diễn ca trù tại xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên

Ngày 24.11.1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đây cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1997, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp văn hóa. Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc; văn hoá còn thì dân tộc còn”. Trong dòng chảy của hàng nghìn năm lịch sử, sự đặc sắc và giàu giá trị của văn hóa Hưng Yên đã làm phong phú, đa dạng hơn cho nền văn hóa dân tộc. Hưng Yên được biết đến là mảnh đất của di sản với trên 1.800 di tích các loại, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 175 di tích xếp hạng cấp quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia), 264 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 6 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; hơn 500 lễ hội, 147 làng nghề truyền thống, 243 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, ngụ ngôn, truyện cổ tích, hát ru, văn tế; 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Thậm chí, có hai di sản đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý và sự khác biệt để trở thành tài sản văn hóa của nhân loại là: Ca trù và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đây là những tài sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của người dân Hưng Yên.

Thành tựu của ngành Văn hóa nói chung và lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên nói riêng luôn gắn chặt với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc. Qua nhiều lần hợp nhất, chia tách, thay đổi tên gọi để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và chức năng nhiệm vụ được giao, ngành Văn hóa tỉnh đã góp phần quan trọng xây dựng đời sống, nếp sống văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục khẳng định văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Ngành Văn hóa tỉnh đã tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra chủ trương, biện pháp phát triển sự nghiệp văn hóa. Phong trào xây dựng làng, khu phố, gia đình văn hóa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân. Đến năm 2021, toàn tỉnh có tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 89,5%, gia đình văn hóa đạt 92%, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 91%. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Thành tích thể thao được nâng lên qua các giải đấu cấp quốc gia và khu vực. Lĩnh vực du lịch được quan tâm, thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ ngành Văn hóa của tỉnh được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, ngành Văn hóa tỉnh tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình cụ thể về phát triển văn hoá; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13 – NQ/TU ngày 8.10.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Hưng Yên trở thành “Một trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”; xác định rõ các giá trị văn hóa tiêu biểu đặc trưng của tỉnh cần được bảo vệ và phát huy; tập trung xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; tạo điều kiện để nâng cao sự hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; quan tâm phát triển toàn diện, sâu rộng phong trào thể dục, thể thao; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Với truyền thống tự hào của 77 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hóa tỉnh quyết tâm tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Hưng Yên văn hiến./.

Theo: http://baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
19 người đang online