Làm giàu trên mảnh đất quê hương

48 năm sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo cùng với chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) đã được cụ thể hóa bằng nghị quyết và các văn bản pháp quy, bộ mặt nông thôn, đời sống người nông dân đã có những đổi thay. Chuyện về vựa hoa của một huyện giáp ranh Hà Nội là ví dụ sinh động.

Từ một xã thuần nông, Xuân Quan đã vươn mình trở thành một vùng trồng hoa nổi tiếng ở miền Bắc. Nghề trồng hoa không chỉ tạo ra thu nhập ổn định cho người dân mà còn mở ra hướng phát triển du lịch nông nghiệp bền vững của địa phương.

Nghề hoa, cây cảnh xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích đất canh tác gần 200ha với khoảng 1.300 hộ chuyên canh trồng hoa, được công nhận làng nghề từ năm 2017. Nhờ vị trí nằm gần Thủ đô Hà Nội và khu đô thị Ecopark là nơi thuận lợi để giao thương, nên Xuân Quan đã nhanh chóng phát triển thành một vùng hoa trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, một vựa hoa lớn ở miền Bắc được nhiều người biết đến.

Người dân Xuân Quan sáng tạo, trồng hoa giỏ, hoa chậu cho thu nhập cao

Khác với các làng hoa ở khu vực phía Bắc thường trồng theo luống, đánh đất trồng cây xuống ruộng, Xuân Quan lại chọn hướng đi riêng, trồng hoa trong chậu, hoa giỏ treo, hoa thảm, cây trang trí nội, ngoại thất,… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lê Ngọc Thịnh, người dân trồng hoa xã Xuân Quan cho biết, từ khi chuyển đổi sang trồng hoa, thu nhập của gia đình rất ổn định, chăm lo cho các con ăn học đầy đủ. So với trồng ngô, khoai trước kia thì trồng hoa tạo ra thu nhập gấp 3 đến 4 lần. Hiện nay, vườn của anh Thịnh có khoảng một vạn gốc lan, cho thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Để đạt năng suất cao, nhà vườn luôn cải tiến, đầu tư hệ thống lưới chắn nắng, hệ thống tưới nước tự động,… với mục tiêu phát triển nghề trồng hoa công nghệ cao.

Người trồng hoa, cây cảnh xã Xuân Quan đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mạnh dạn đầu tư vào những giống hoa mới, đa dạng về chủng loại, đã tạo ra một vùng chuyên sản xuất hoa chậu, hoa thảm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề trồng hoa được xem là một hướng đi hiệu quả, đang mang lại sự ấm no, sung túc cho người dân xã Xuân Quan, ngay trên quê hương mình một cách bền vững.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Mạnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết, nghề hoa, cây cảnh xã Xuân Quan bắt đầu hình thành từ năm 2003, và đến năm 2017 chính thức được công nhận là làng nghề. Trong những năm gần đây, làng nghề trồng hoa phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân khoảng 700 - 800 triệu đồng/ha canh tác. Hàng năm, xã tổ chức các lớp tập huấn về trồng hoa và kinh doanh hoa, cây cảnh để phổ biến kiến thức, giúp bà con nâng cao được hiệu quả kinh tế. Xã đã tổ chức thành công các lễ hội hoa vào năm 2017 và năm 2020 để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về nghề trồng hoa, cây cảnh của địa phương, dự kiến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội hoa kết hợp đón công nhận xã chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo các chủ nhà vườn ở Xuân Quan, những năm gần đây, du khách đến làng nghề tham quan, chụp ảnh vào các dịp lễ, Tết tăng nhanh, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Bà Nguyễn Thị Hoa, người trồng hoa xã Xuân Quan cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã liên hệ với nhà vườn để học sinh tiểu học tham quan kết hợp trải nghiệm trồng hoa, cây cảnh, nhiều đoàn khách liên hệ chụp ảnh dã ngoại. Tuy nhiên, do chưa bố trí khu vực trải nghiệm thực tế nên nhà vườn mới đáp ứng nhu cầu tham quan để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Có thể nói, vấn đề phát triển các làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp hiện nay đang là hướng đi đầy triển vọng không chỉ của Hưng Yên mà là của nhiều địa phương khác trong cả nước. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch Hưng Yên khai thác tạo ra lợi thế cạnh tranh với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, tiến tới trong nước và mở rộng ra khu vực, quốc tế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành đề án về phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thông qua đề án này, chính quyền địa phương và nhân dân có một cách tiếp cận mới hơn, ngoài việc sản xuất, phải nghiên cứu phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp để tăng thêm thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của địa phương. Để phát triển được mô hình du lịch nông nghiệp bền vững, địa phương cần quan tâm và đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường.

Với tinh thần đó, xã Xuân Quan đã chủ động quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Quan đã đầu tư và khai thác dịch vụ thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, đặt thùng chứa rác thải nông nghiệp ở các trục đường sản xuất để bảo đảm vệ sinh môi trường, giúp làng quê luôn sạch sẽ theo chuẩn tiêu chí môi trường nông thôn mới. Tiến hành nạo vét, trục vớt bèo, khơi thông dòng chảy trên các kênh mương nội đồng, đảm bảo tưới, tiêu kịp thời cho các hộ sản xuất. Chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất hoa, cây cảnh, phân bón hữu cơ, giá thể trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng môi trường làng nghề xanh, thân thiện.

Theo số liệu thống kê của xã Xuân Quan, tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của xã trong năm 2022 ước đạt từ 150 đến 200 tỷ đồng. Nghề trồng hoa cây cảnh đã tạo việc làm cho trên 3.000 lao động tại địa phương cũng như các địa phương khác về làm thuê với mức thu nhập bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/người /tháng.

Chia sẻ về định hướng phát triển làng hoa trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn cho biết, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phát huy những kết quả đã đạt được của nghề trồng hoa, cây cảnh trong những năm vừa qua. Có giải pháp về quy hoạch tổng thể vĩ mô cho vùng chuyên sản xuất hoa, cây cảnh của địa phương. Coi trọng việc phát triển nghề trồng hoa cây cảnh theo hướng ổn định, bền vững kết hợp sản xuất hoa cây cảnh công nghệ cao gắn với du lịch làng nghề và bảo vệ môi trường.

48 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với giai cấp công nhân, đội ngũ tri thức, giai cấp nông dân luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những nông dân không quản một nắng hai sương, chịu khó lao động, trau dồi kiến thức, áp dụng công nghệ vào sản xuất để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Thủ đô xứng tầm khu vực.

Theo: https://laodongthudo.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
35 người đang online