26/12/2023 | lượt xem: 1 Nhìn lại một năm hoạt động của Ban quản lý di tích tỉnh Hưng Yên Di tích lịch sử - văn hóa là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến đổi, thăng trầm của các thời kỳ lịch sử. Đó cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Do vậy, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội. Theo số liệu thống kê di tích trên địa bàn toàn tỉnh, Hưng Yên hiện còn bảo lưu được 1.802 di tích các loại, trong đó có 175 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 271 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 07 bảo vật quốc gia cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị. Trong kho tàng văn hóa phi vật thể Hưng Yên hiện có hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc. Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người con Hưng Yên. Trong năm qua, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp các ngành, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn. Cụ thể: 1. Công tác lập Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và Hồ sơ Bảo vật quốcgia Công tác nghiên cứu, lập Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, Hồ sơ bảo vật Quốc gia, Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng Luật Di sản văn hóa và hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích tỉnh tiến hành lập Hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Đa Hòa - Dạ Trạch (huyện Khoái Châu); 02 hồ sơ trích ngang di tích cấp Quốc gia; 7 di tích - cụm di tích cấp tỉnh; xây dựng Hồ sơ hiện vật đối với 01 tấm bia “Đại Bi Diên Minh tụ bi”, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm đề nghị công nhận là Bảo vật Quốc gia; 01 hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 10/11/2023, Lễ hội đền An Xá đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo quyết định số 3435/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL. Hoàn thành việc khảo sát, nghiên cứu, chỉnh lý bổ sung Hồ sơ khoa học đối với các di tích đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia trên địaa bàn thị xã Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên. Tham mưu giúp Sở thực hiện kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn 5 huyện, thành phố: Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên; Thực hiện công tác kiểm kê Di sản tư liệu trên địa bàn huyện Phù Cừ; Tiên Lữ; thành phố Hưng Yên. 2. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích Thực hiện Quyết định số 2840/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND tỉnh triển khai Đề án đầu tư, tu bổ, chống xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã đem lại hiệu quả rõ rệt, kịp thời tu bổ, chống xuống cấp cho các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Các di tích thuộc Đề án đều đã và đang được đầu tư tu bổ, tôn tạo ở nhiều mức độ khác nhau bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa góp phần to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Tổng số di tích được đầu tư, tu bổ chống xuống cấp theo Đề án năm 2023 là 8 di tích với số vốn khoảng 8 tỷ đồng. Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trên cơ sở nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ, nhiều địa phương đã huy động nguồn xã hội hóa từ Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Ngoài việc triển khai thực hiện Đề án 2840, nguồn ngân sách tỉnh, huyện còn thực hiện đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi một số di tích của tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa là trên 40 di tích. Việc tu bổ, tôn tạo di tích đều được các các đơn vị tư vấn thiết kế và thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, tập trung tu sửa các hạng mục chính, xuống cấp nặng, giữ gìn, bảo tồn tối đa các cấu kiện, yếu tố gốc của di tích. Sau khi được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích đều trở nên vững chãi hơn, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân sở tại; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương. 3. Công tác phát huy giá trị di tích Trong năm 2023, Ban Quản lý di tích tỉnh đã thực hiện xong nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung với phát triển du lịch”. Ngày 28/11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định số 390/QĐ-SKHCN về việc công nhận kết quả thực hiệnnhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đối với nhiệm vụ khoa học do Ban Quản lý di tích tỉnh thực hiện. Tổ chức thành công lớp Tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và Tập huấn về công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt cho cán bộ làm công tác quản lý di tích cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Phối hợp với Cục Di sản Văn hóa tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng nhận diện, xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh để bảo vệ và phát huy giá trị Di sản tư liệu cho các lãnh đạo, chuyên viên phòng VH-TT huyện, thị xã, thành phố, Lãnh đạo UBND xã, công chức văn hóa các xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện Phù Cừ và Tiên Lữ. Nhập dữ liệu 175 di tích cấp quốc gia được scan từ Cục Di sản văn hóa vào phần mềm Quản lý di tích và hiện vật; biên tập và xuất bản 1 số cuốn sách và ấn phẩm để tuyên truyền và giới thiệu về những giá trị tiêu biểu của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh: cuốn sách song ngữ “Bảo vật Quốc gia tỉnh Hưng Yên”, sách “Đại vương Lê Đình Kiên”, sách “Lễ hội đền Đa Hòa”;... Phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Hưng Yên thực hiện phóng sự: Mộ và đền thờ Quận công Bùi Đăng Châu (huyện Phù Cừ); phóng sự Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và những bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Phối hợp với Ban truyền hình đối ngoại (VTV4) - Đài truyền hình Việt Nam ghi hình chương trình Di sản văn hóa đang được tu sửa, bảo tồn hoặc mới được khánh thành trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn, giới thiệu, thuyết minh các di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh cho 55 đoàn khách với trên 2000 khách tham quan. Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong hoạt động quản lý, phát huy giá trị của di tích cũng gặp phải nhiều khó khăn như nguồn kinh phí cho trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế; Việc quản lý nguồn vốn xã hội hóa, nguồn công đức còn nhiều bất cập; Số lượng, chất lượng cán bộ quản lý di tích (Ban quản lý di tích), đời sống cán bộ, chế độ ưu đãi,... còn nhiều hạn chế; chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch và việc tuyên truyền về giá trị của các di tích ít được quan tâm. 4. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 Trên cơ sở nhìn lại hoạt động năm 2023, Ban Quản lý di tích tỉnh cũng xác định hướng hoạt động năm 2024 với một số công việc cụ thể như sau: Một là: Lập Hồ sơ khoa học đối với các lễ hội truyền thống đưa vào danh mục DSVHPVT cấp Quốc gia Hai là: Kiểm tra rà soát đề nghị của các địa phương, về việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp trình UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Đồng thời, kiểm tra thực trạng di tích để đề nghị cho tu bổ, chống xuống cấp bằng các nguồn vốn. Đặc biệt tuyên truyền công tác xã hội hóa trong việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích. Ba là: Tham mưu giúp Sở các văn bản về trùng tu, tu bổ, chống xuống cấp cấp thiết cho một số di tích trên địa bàn tỉnh. Bốn là: Lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cho các di tích theo đề nghị của các địa phương; Hồ sơ khoa học đối vưới Khu di tích Đa Hòa - Dạ Trạch đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Năm là: Hướng dẫn trình tự thủ tục tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích, theo đúng quy định. Sáu là: Tổ chức tập huấn cho các Ban QLDT cơ sở về công tác, nghiệp vụ chuyên môn trong quản lý phát huy giá trị, tuyên truyền về di tích; hướng dẫn khách tham quan trong và ngoài tỉnh về thăm các di tích trên địa bàn toàn tỉnh./. Thu Hường
Đoàn Hưng Yên giành 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng "Hội tụ sông Hồng" năm 2024
Trung tâm Văn hóa tỉnh Hưng Yên tổ chức lớp tập huấn biên tập, dàn dựng chương trình tuyên truyền văn nghệ lưu động