29/12/2023 | lượt xem: 9 Những kết quả bước đầu sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 08/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 18-NQ/TU), hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng cả về quy mô, cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động. Đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ để các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị -xã hội và nhân dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết đề ra. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU, huyện Phù Cừ chú trọng công tác quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở với nhiều giải pháp đồng bộ, cách làm hay, sáng tạo. Huyện đã xây dựng, triển khai và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, định hướng tổ chức hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; ban hành các cơ chế, chính sách trong việc đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Từ nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện ngày càng được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tiến hành rà soát, quy hoạch đất sử dụng cho các công trình văn hóa, thể thao theo quy định. Quá trình đầu tư xây dựng, các địa phương đều công khai kinh phí, thành lập các tổ giám sát thi công; tăng cường công tác quản lý, nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao cơ sở. Cùng với nguồn kích cầu của huyện, xã, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí và ngày công để xây dựng nhà văn hóa, sân tập thể thao... Đến nay, huyện Phù Cừ có 14/14 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa đạt chuẩn và khu hoạt động thể thao (đạt 100%); 54/54 thôn có nhà văn hóa trong đó có 51/54 nhà văn hóa đạt chuẩn (đạt 94,5%). Tại các địa phương khác, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Cùng với nguồn xã hội hóa đóng góp từ sức dân, các cấp chính quyền đã quan tâm xây dựng cơ chế, hỗ trợ kinh phí để chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao; rà soát, bổ sung, lắp đặt các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời. Tiêu biểu như: Huyện Kim Động xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 3 trung tâm văn hóa xã, xây mới 8 nhà văn hóa thôn, nâng cấp, cải tạo hàng chục sân thể thao, đâu tư dụng cụ luyện tập thể dục thể thao với kinh phí trên 60 tỷ đồng; huyện Ân Thi đã xây mới 2 trung tâm văn hóa xã, 3 sân vận động xã, 7 nhà văn hóa thôn, 7 khu hoạt động thể thao thôn với tổng kinh phí 52.5 tỷ đồng; huyện Văn Giang đã xây mới và sửa chữa 3 trung tâm văn hóa xã, 5 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí trên 55 tỷ đồng... Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 2 năm 2022-2023, toàn tỉnh đầu tư 153.860 triệu đồng xây dựng, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 372.080 triệu đồng xây dựng mới 22 trung tâm văn hóa cấp xã; 397.125 triệu đồng xây dựng mới, nâng cấp 75 nhà văn hóa thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 8/10 huyện có Trung tâm Văn hóa (đạt 80%); 130/161 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hoá độc lập (đạt 80,7%), 31/161 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã kiêm chức năng Trung tâm Văn hoá (chiếm 19,3%); 760/832 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá độc lập (đạt 90,4%), 72/832 thôn, tổ dân phố dùng các thiết chế khác kiêm chức năng nhà văn hoá (chiếm 9,6%). 83% Trung tâm văn hóa cấp xã, 74% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hiện có đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Toàn tỉnh hiện có 3 Trung tâm văn hóa xã, 20 Nhà văn hóa thôn đang xây dựng mới. Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, dụng cụ tập luyện, thi đấu thể thao cơ sở từng bước được quan tâm đầu tư. Một số địa phương làm tốt công tác xã hội hóa xây dựng sân vận động đơn giản, các sân tập luyện bóng đá, sân bóng chuyền, nhà tập cầu lông, sân tập cầu lông ngoài trời…Trong 2 qua, các địa phương trong tỉnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng 12 sân vận động cấp xã, hàng trăm sân, bãi, phòng tập thể thao, lắp đặt trên 300 dụng cụ luyên tập thể dục thể thao ngoài trời; thực hiện luân chuyển 44.722 cuốn sách về 195 thư viện, tủ sách cơ sở, thư viện trường học. Nguồn nhân lực vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp ngày càng nâng cao về trình độ, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ. Trong đó, cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở có trình độ, đào tạo chuyên môn theo chuyên ngành, các địa phương đều quan tâm tìm chọn, giao việc quản lý cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cho những người nhiệt tình, có năng lực, trách nhiệm quản lý. Toàn tỉnh hiện có 131 cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, 98 cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện. Đối với Trung tâm Văn hóa cấp xã hầu hết giao cho công chức văn hóa xã hội; nhà văn hóa thôn, tổ dân phố giao cho trưởng thôn, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận quản lý, điều hành. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, tổ chức hoạt động cho cán bộ, cộng tác viên vận hành thiết chế văn hóa, thể thao các cấp…nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong tổ chức hoạt động, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, công cụ tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào, các cuộc vận động lớn, địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của từng địa phương nói riêng và của tỉnh Hưng Yên nói chung. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, đã giúp hình thành và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ra đời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân. Trong 2 năm qua, số lượng các CLB văn nghệ, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có 1.560 câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ, 1670 câu lạc bộ thể dục thể thao quần chúng ở các địa phương cơ sở. Trung bình hằng năm, có trên 20.000 hoạt động, sự kiện văn hóa văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức; thu hút 36% dân số tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU, trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tiếp tục quyết liệt thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; rà soát, bổ sung, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi đồng thời tiếp tục triển khai các đề án, chiến lược phát triển văn hóa, thể dục, thể thao. Quan tâm xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí gắn với nhu cầu người dân, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, các nhóm đối tượng người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao chất lượng các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hoá thể thao, hoạt động các câu lạc bộ văn hóa, thể thao ở địa phương cơ sở./. Kim Vui