Những thư viện thân thiện ở Hưng Yên

Hiện nay, khi thói quen đọc sách đang xa dần với nhiều người bởi sự phát triển “nở rộ” của các loại hình công nghệ thông tin hiện đại thì tại Hưng Yên, nhiều mô hình thư viện thu hút đông độc giả…

Thư viện giữa sân trường

Khác với mô hình thư viện truyền thống kém thu hút học sinh đến đọc sách, Trường THCS Tân Quang (Văn Lâm) đã xây dựng “Thư viện xanh” ngay giữa sân trường rợp bóng cây thu hút nhiều học sinh đến đọc sách mỗi ngày.

“Thư viện xanh” Trường THCS Tân Quang đón hàng trăm lượt học sinh mỗi ngày

Tại “Thư viện xanh” này, ấn tượng đầu tiên là các tủ đựng sách được bố trí ngay ngắn ở các vị trí dễ thấy. Giờ ra chơi, các em có thể chọn những cuốn sách ưng ý để đọc tại chỗ, những mái che giúp các em học sinh ngồi đọc mà không sợ mưa nắng. Hết giờ ra chơi, các em lại tự giác đem sách, truyện trả lại vị trí cũ.

Em Phạm Ngân Hà, học sinh lớp 7A4 cho biết: “Giờ ra chơi em rất thích đến đây, vì được tự do lựa chọn những cuốn sách mà mình thích và được đọc thoải mái...”. 

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trìu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mô hình “Thư viện xanh” của nhà trường được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Tỉnh Đoàn Hưng Yên và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2018 - 2019. “Thư viện xanh” hiện có trên 300 đầu sách và được xây dựng ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, mục đích là nhằm giảm áp lực cho học sinh sau những giờ học trên lớp, kích thích niềm đam mê đọc sách, tại đây các em có thể  vừa vui chơi, vừa trao đổi kiến thức, đọc sách theo sở thích mà không cảm thấy gò bó. Mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh đến đây đọc sách, qua đó giúp hình thành thói quen đọc, tăng sự hào hứng trong học tập ở các em...”.

Thư viện tư nhân của cô giáo trường làng

Tại thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch (Khoái Châu), không ai là không biết đến thư viện tư nhân của cô giáo Ngô Thị Hồng Vân (sinh năm 1976). Đến với thư viện này, mọi người được mượn và đọc hoàn toàn miễn phí các loại sách, truyện theo sở thích.

Bên trong ngôi nhà nhỏ, ngoài diện tích kê bộ bàn ghế và tủ giường cũ kỹ, khoảng không gian còn lại cô Vân dành để những kệ sách. Với hơn 4.000 đầu sách được cô Vân phân loại theo nhóm gồm: sách văn học, sách thiếu nhi, sách tham khảo, sách ngoại ngữ, sách kỹ năng sống, sách lịch sử, sách pháp luật, báo chí... do chính cô Vân chọn mua. Phía dưới giá sách là những chậu hoa nhựa xinh xắn được xếp thành hàng. Tất cả được bài trí gọn gàng và ngăn nắp.

Mỗi ngày khi rảnh rỗi, em Nguyễn Thanh Huyền, học sinh lớp 7A, Trường THCS Dạ Trạch lại háo hức xin bố mẹ đến thư viện của cô giáo Vân. Huyền cho biết: “7 năm nay, hầu như ngày nào em cũng đến thư viện của cô Vân để mượn sách. Em thích nhất là đọc sách về Bác Hồ và những cuốn tác phẩm văn học nổi tiếng. Thư viện của cô Vân đã giúp em có thêm nhiều kiến thức, nhiều bài học bổ ích trong cuộc sống”.

Chia sẻ về lí do thành lập thư viện tư nhân, cô Vân nói: “Vốn là người mê đọc sách nên ngay từ khi còn đi học tôi đã tìm mua và sưu tầm rất nhiều sách. Đến năm 1994, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên rồi về Trường Tiểu học Đông Tảo (Khoái Châu) dạy học cho đến nay, mỗi tháng, tôi đều trích một phần tiền lương để mua sách. Cứ thế, khi giá sách ngày một đầy hơn, bạn bè, người thân đến nhà chơi thấy tôi có nhiều cuốn sách hay thì ngỏ ý mượn...”. 

Để làm phong phú đầu sách trong thư viện, mỗi năm Thư viện tỉnh lại luân chuyển sách 1 lần với khoảng 180 - 200 đầu sách. Không những vậy, mỗi lần đọc báo xong, cô Vân lại kỳ công cắt những bài báo có nội dung hay rồi đóng thành từng quyển với từng chủ đề. Đến nay, có gần 200 quyển sách do chính tay cô Vân sưu tầm từ báo.

Thư viện thu hút nhiều độc giả

Có mặt tại Thư viện huyện Ân Thi vào một buổi sáng, chúng tôi nhận thấy có khá đông độc giả là cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân trên địa bàn đến đây mượn sách và đọc sách tại chỗ. 

Em Lê Thị Thảo, học sinh Trường THPT Ân Thi, một độc giả thường xuyên của thư viện cho biết: “Mỗi tuần em thường dành 1 - 2 buổi đến Thư viện huyện đọc sách hoặc mượn sách về nhà. Sách ở đây rất phong phú, giúp em có thêm nhiều kiến thức mới”. Còn bác Ngô Văn Thất ở thị trấn Ân Thi, một cán bộ hưu trí cho biết: “Thư viện huyện có rất nhiều loại sách, đặc biệt là các sách về Đảng, Bác Hồ kính yêu, về y học, chăm sóc sức khỏe, báo Người cao tuổi... nên tôi hay tìm đến để đọc và nghiên cứu để bổ sung kiến thức của mình”. 

Anh Lê Văn Đôi, Thủ thư Thư viện cho biết: “Thư viện huyện hiện có hơn 8.000 đầu sách các loại và 8 loại báo, tạp chí, trung bình mỗi ngày tiếp đón 20 - 25 lượt người đến mượn sách. Mỗi khi tiếp nhận sách mới, thư viện đều thông báo, giới thiệu cho độc giả biết để tìm đọc. Ngoài việc phục vụ mượn, đọc tại chỗ, thư viện còn tổ chức, hướng dẫn xây dựng và điều tiết hoạt động mạng lưới thư viện ở các thôn, các trường học; phối hợp với Thư viện tỉnh xây dựng 2 tủ sách lưu động… để phục vụ bạn đọc. Hằng năm, Thư viện huyện còn thường xuyên tổ chức các đợt trưng bày sách mới, giới thiệu sách chuyên đề nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Nếu không có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân thì thư viện truyền thống khó thu hút độc giả...”.

Nhờ hoạt động hiệu quả, mới đây, Thư viện huyện Ân Thi được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày sách Việt Nam (21.4).

Theo Báo Hưng Yên Điện tử

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
31 người đang online