Xây dựng đề cương số hóa các di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt và xếp hạng quốc gia

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy Hưng Yên về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc Phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc triển khai thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 23/KH-SVHTTDL ngày 08/4/2022 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về thực hiện chuyển đổi số ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 36/KH-SVHTTDL ngày 06/3/2022 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2023. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, thực hiện số hóa các di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt và xếp hạng quốc gia (giai đoạn 1).

(Ảnh minh họa)

Mục tiêu:

- Trong giai đoạn 1, thực hiện số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu số về một số di sản văn hóa; quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa của tỉnh Hưng Yên, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, trong đó: Xây dựng các hình ảnh số hóa 360 độ các di sản để phổ cập, giới thiệu di sản; Tạo lập dữ liệu số hóa 3D các di sản cần bảo tồn với độ chính xác cao đảm bảo tạo lập các dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn di sản; tạo lập cơ sở dữ liệu các hồ sơ về di sản phục vụ việc quản lý, lưu trữ và cung cấp thông tin chính xác về các di sản.

- Xây dựng ứng dụng quản lý, hiển thị dữ liệu số hóa du lịch Hưng Yên để lưu trữ, quản lý, khai thác toàn bộ dữ liệu một cách logic, khoa học và dễ dàng sử dụng. Ứng dụng giúp người dùng có tìm kiếm các thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, đồng thời là công cụ các cấp quản lý nhanh chóng nắm bắt được các dữ liệu về di sản văn hóa hỗ trợ quá trình đưa ra các chính sách, chiến lược phát triển du lịch của địa phương.

Quy mô:

- Ứng dụng Quản lý, hiển thị dữ liệu số hóa di sản văn hóa Hưng Yên: 01 hệ thống.

- Thực hiện số hóa (số hóa Công trình di tích 3D/360 độ, số hóa 3D hiện vật) di tích, cụm di tích gồm: chùa Hương Lãng (Văn Lâm); đền Đa Hòa (Khoái Châu); đền Dạ Trạch (Khoái Châu); đình Duyên Yên (Kim Động); đình Cảnh Lâm (Yên Mỹ); đình Cửu Cao (Văn Giang); khu Lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật (Mỹ Hào); đình, đền Nhuế Dương (Khoái Châu); chùa Thái Lạc (Văn Lâm); chùa Mễ Sở (Văn Giang); quần thể di tích làng Nôm (Văn Lâm); đền Phù Ủng (Ân Thi)

Giải pháp kỹ thuật, công nghệ và các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu:

- Yêu cầu chung kỹ thuật số hóa 3D: Tái tạo không gian thực tế trên nền tảng kỹ thuật số; thu thập dữ liệu trực quan chính xác bằng máy scanner 3D chuyên dụng cùng phần mềm xử lý dữ liệu 3D; cho phép nhập vai di chuyển khám phá trực tiếp không gian, vật thể tương tác với các hiệu ứng Multimedia (hình ảnh, âm thanh, Video, Text); sản phẩm tích hợp cho không gian các công trình đã xây dựng cần mức độ chi tiết trong trải nghiệm tham quan; tái tạo không gian lớn một cách tổng thể, có thể chuyển cảnh trải nghiệm giữa khu vực, là nền tảng tích hợp trải nghiệm 360 và 3D Scanning; hoàn thiện không gian tương tác tổng thể, kết nối hạng mục quy mô lớn tổng quan dự án bằng hình ảnh 360 độ trên không, có thể tương tác chuyển cảnh giữa các không gian trên cao, để nhìn tổng quan từng khu vực, kết hợp với chi tiết không gian dưới mặt đất bằng nền tảng 3D Scanning các công trình, người dùng di chuyển linh hoạt trong việc tìm hiểu không gian từ tổng quan đến chi tiết thông qua nền tảng HTML hoàn chỉnh, hoạt động online và dùng tốt trên mọi nền tảng.

- Lựa chọn giải pháp kỹ thuật số hóa Số hóa di tích và hiện vật là công việc tái tạo lại cấu trúc và bản vẽ để phục vụ lưu trữ và bảo tồn dưới dạng số, cốt lõi dựa trên kỹ thuật đảo ngược, tức là ghi nhận lại dữ liệu từ các công trình và hiện vật từ thực tế với tỷ lệ 1:1 và sai số rất nhỏ đảm bảo tính chính xác. Kỹ thuật áp dụng để thực hiện kỹ thuật đảo ngược dự vào công nghệ, thiết bị và giải pháp công nghệ quét 3D laser, kỹ thuật này được áp dụng ở các nước tiên tiến thế giới và là giải pháp hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, áp dụng tốt cho số hóa công trình và hiện vật. Kỹ thuật quét laser 3D được đưa vào sử dụng khá phổ biến trên thế giới trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật này là sử một thiết bị đo kỹ thuật cao có cơ chế phát tia laser đi kèm với bộ phận đo phản hồi của laser với độ chính xác gần như tuyệt đối, xác định thời gian di chuyển của tia sáng từ đó giúp xác định vị trí chính xác (X,Y,Z) của các đối tượng phản xạ trong thực tiễn. Thế mạnh của kỹ thuật quét laser là khả năng tạo ra những khối số liệu cực kỳ lớn mô tả một cách chính xác, đầy đủ và vô cùng chi tiết một khu vực trong thực tiễn, đây là điều mà tất cả các phương pháp đo đạc thu thập số liệu thực địa ở thời điểm hiện tại không thể có được. Lợi điểm lớn nữa của kỹ thuật quét laser đó là khả năng quét toàn cảnh 360 độ theo chiều ngang và 320 độ theo chiều đứng, trong tầm quan sát nêu trên ở khoảng cách bán kính từ 120 mét đến 330 mét (tối đa), tất cả các đối tượng đều được ghi nhận một cách đầy đủ và chi tiết mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người trong quá trình máy hoạt động trên thực địa. Số liệu máy quét laser 3D sau khi được triển khai tại thực địa và hậu kỳ trên phần mềm chuyên dụng tạo ra khối dữ liệu giống như chúng ta tái hiện 100% thực tiễn ở tỷ lệ 1:1, là tất cả số liệu đã được xác lập trong không gian 3 chiều hoàn chỉnh, theo đó các quá trình xử lý tiếp theo chúng ta hoàn toàn quản lý trực quan trên mô hình 3D. Toàn bộ quá trình đo vẽ sẽ được tiến hành trên mô hình 3D này với độ chính xác rất cao (tối đa lên tới mm). Ngoài ra, cùng với giải pháp chụp ảnh để tái tạo lại màu sắc và ghi nhận nhận lại bề mặt của công trình và hiện vật, kỹ thuật chụp hàng ngàn các bức ảnh ghi lại tất cả các góc độ để tái tạo đầy đủ bề mặt của khung (mesh) của mô hình 3D, dữ liệu này được gọi là ảnh bề mặt mô hình 3D (texture). Cùng với các dữ liệu số hóa với độ chính xác cao và dữ liệu lớn phục vụ công tác bảo tồn, chúng tôi lựa chọn giải pháp công nghệ tham quan thực tế ảo 360 (Tour 360) bằng cách sử dụng thiết bị máy ảnh kỹ thuật số độ phân giải tổng hợp hơn 30 megapixel cho phép chụp các bức ảnh 360 độ dạng thể cầu phủ trùm lên toàn bộ số liệu đo đạc laser mà máy quét tạo ra. Đây là một hợp phần số liệu quan trọng ghi nhận lại đúng hiện trạng, màu sắc đối tượng tại thời điểm thu thập. Dữ liệu này sẽ được kết nối lại với nhau tạo thành tuyến tham quan ảo 360, người dùng có thể di chuyển linh hoạt từ vị trí này sang vị trí khác, và xoay 360 độ để xem mọi góc độ, cùng với nội dung âm thanh thuyết minh, video giới thiệu và các tác vụ như tra cứu thông tin, bật tắt chế độ, tương tác nhanh đến các vị trí qua menu… tất cả tạo thành trải nghiệm độc đáo giúp cho chuyên gia và người sử dụng thông thường đều có thể tương tác và trải nghiệm như có mặt tại di tích ngay tại đó. Sản phẩm tour thực tế ảo 360 được dùng để lưu trữ và cũng có thể dùng để quảng bá du lịch trên cổng thông tin du lịch.

Hiện nay, Sở VHTTDL đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trình các cấp, các ngành thẩm định, phê duyệt và tiến hành số hóa./.

Doãn Thành