Để du lịch Hưng Yên cất cánh
Hưng Yên từ xa xưa thường được nhắc đến với câu "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, vùng đất tả ngạn sông Hồng, liền kề thủ đô Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, bài viết của Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hưng Yên cho Mekong ASEAN.
Vào thế kỷ XVI, XVII, Hưng Yên là trung tâm của trấn Sơn Nam, có thương cảng Phố Hiến - một thương cảng lớn nhất ở Đàng Ngoài và từng được ví như một “Tiểu Tràng An” của Việt Nam với 23 phố, phường; cùng nhiều điểm giao thương, buôn bán tấp nập “trên bến dưới thuyền”…
Hiện Hưng Yên là tỉnh có số di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ 3 trong cả nước. Toàn tỉnh có 1.802 di tích, trong đó có 3 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 7 bảo vật quốc gia; 175 di tích cấp quốc gia; 274 di tích, cụm di tích cấp tỉnh; cùng các làng nghề truyền thống, hơn 500 lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ và những vườn cây hoa trái, hệ thống sông ngòi lớn, kéo dài.
Cùng với đó, Hưng Yên còn là quê hương của nhiều đặc sản hấp dẫn, như nhãn lồng, bún thang, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, chè hạt sen long nhãn... đều là những nguồn tài nguyên có giá trị cho phát triển du lịch.
Trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã có những nỗ lực trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch và đã thu được một số thành quả nhất định. Số lượt khách du lịch tăng trên 10%/năm, đến năm 2019 đã đạt 1 triệu lượt khách. Tuy nhiên, bức tranh du lịch tỉnh Hưng Yên còn rất mờ nhạt so với toàn cảnh khu vực cũng như quốc gia, chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Những đóng góp của du lịch trong phát triển kinh tế của tỉnh còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân là sản phẩm du lịch của Hưng Yên còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, ít được đầu tư. Thêm vào đó với tác động của đại dịch vừa qua đã khiến cho du lịch Hưng Yên chịu nhiều tổn thất, lượng du khách sụt giảm mạnh, các hoạt động du lịch gần như phải “ngủ đông”, nhiều doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động… Chính vì vậy, phát triển du lịch trong bối cảnh mới là một trong những trọng tâm của ngành du lịch Hưng Yên.
Du lịch Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2022
Trong thời gian qua, với định hướng phát triển để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, du lịch Hưng Yên đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, lượng khách và doanh thu du lịch của tỉnh tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2015 đạt 641 nghìn lượt, đến năm 2019 đạt 1 triệu lượt. Riêng 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên lượng khách và doanh thu giảm 70% - 80% so với năm 2019.
Trước đó, đầu năm 2018, Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch tỉnh Hưng Yên thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, tỉnh Hưng Yên đã tích cực kêu gọi đầu tư, thiết kế nhiều sản phẩm du lịch làng nghề, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đều có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015 - 2019.
Tuy nhiên, cơ cấu khách du lịch đến Hưng Yên vẫn chủ yếu là khách du lịch nội địa, trong đó phần lớn là khách từ các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… lượng khách từ các tỉnh miền Trung, miền Nam chiếm tỷ lệ nhỏ.
Như vậy, so với mặt bằng chung cả nước, số khách du lịch đến Hưng Yên thấp (năm 2015 chỉ bằng 0,6 % tổng lượng khách cả nước), thời gian lưu trú của khách ngắn. Nguyên nhân là do sản phẩm du lịch Hưng Yên chưa hấp dẫn, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo, kém cả về số lượng và chất lượng, thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí bổ sung…
Bên cạnh đó, cho đến nay, doanh thu từ khách du lịch của Hưng Yên còn rất khiêm tốn, một phần do lượng du khách còn ít, mức chi tiêu thấp, thời gian lưu trú còn ngắn. Khách du lịch đến Hưng Yên chủ yếu trong ngày, ít sử dụng dịch vụ lưu trú.
Ngoài ra, sản phẩm du lịch của Hưng Yên còn ít, đơn điệu không thu hút chi tiêu của khách du lịch. Đây là hệ quả xuất phát từ việc ngành du lịch còn thiếu các sản phẩm chất lượng, thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí đi kèm, vì vậy chưa thu hút được đông đảo khách du lịch.
Về kinh doanh dịch vụ lưu trú, năm 2016 toàn tỉnh có 235 cơ sở lưu trú, năm 2022 tăng lên 270 cơ sở. Riêng loại hình khách sạn gia tăng trong các năm từ 2016 - 2019; các năm 2020, 2021, 2022 không tăng do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở lưu trú của Hưng Yên phần lớn có quy mô nhỏ, chất lượng và các tiện nghi, trang thiết bị chưa tốt, thiếu các dịch vụ bổ sung.
Về các điểm ăn uống, Hưng Yên hiện có khoảng 382 điểm nằm cả trong và ngoài khách sạn, thực đơn của các nhà hàng chưa đa dạng, chủ yếu là các món ăn của Việt Nam, ít nhà hàng phục vụ được nhu cầu của các thị trường khách quốc tế. Nhìn chung, các nhà hàng ăn uống còn thiếu về chủng loại và số lượng, nhiều cơ sở kinh doanh có chất lượng chưa cao.
Trong tương lai, Hưng Yên cần phát triển thêm các loại hình ăn uống cho phù hợp với nhu cầu của nhiều thị trường khách du lịch. Các tiện nghi ăn uống cần chú ý đến bài trí, trang hoàng, chất lượng vệ sinh và cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên để tạo cảm giác nghỉ ngơi thư giãn… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cần phát triển thêm các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, dịch vụ đi kèm; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư về du lịch…
Một số giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, giai đoạn tới, ngành du lịch Hưng Yên cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW tới cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ 2, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển du lịch bằng việc ban hành hệ thống văn bản quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện và thực tiễn của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.
Thứ 3, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường du lịch bền vững; xây dựng phong cách ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch. Huy động hệ thống chính trị tham gia tích cực trong công tác vận động khai thác tiềm năng phát triển du lịch.
Tăng cường công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa và con người Hưng Yên, về tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Hưng Yên và các phương tiện thông tin đại chúng. Từng bước chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức, đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia và quốc tế trên địa bàn tỉnh; các chương trình khảo sát, xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan thông tấn, báo chí có uy tín trong và ngoài nước quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh.
Thứ 4, tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 25/5/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh; Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 09/5/2018 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu từng bước xây dựng Khu di tích lịch sử, văn hóa Phố Hiến trở thành Khu du lịch quốc gia; xây dựng Khu du lịch Ecopark, Ocean Park 2 trở thành khu nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp của khu vực; xây dựng đưa lễ hội Phố Hiến, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung trở thành lễ hội cấp tỉnh.
Thứ 5, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh, như Khu du lịch Phố Hiến, khu du lịch Đa Hòa - Dạ Trạch; Lễ hội Phố Hiến, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung; xây dựng các mô hình du lịch nông trại, du lịch làng nghề để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp giáo dục truyền thống... để phát triển các tour, tuyến du lịch đặc sắc, hấp dẫn nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Thứ 6, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý khu, điểm du lịch. Thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử cho cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện, thành phố, các Ban quản lý du lịch và các xã có khu, điểm du lịch; bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân. Định kỳ tổ chức thi tay nghề trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch...
Thứ 7, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư du lịch, tập trung mời gọi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín, đủ tiềm lực để đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí, khu thương mại - dịch vụ cao cấp... Huy động nguồn quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh.
Chủ động liên kết và hợp tác phát triển du lịch, kết nối các tour, tuyến du lịch trong vùng, tổ chức các sự kiện liên vùng, kết nối du lịch với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách cũng như thu hút đầu tư vào du lịch. Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ.
Tác giả: Ông Phạm Văn Hiệu,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên
Theo: https://mekongasean.vn