Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững
Sáng ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các hội doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không; các chuyên gia kinh tế, du lịch.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành và các địa phương có liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7% lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 tỷ đồng. Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế , kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dung. Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tịa Lễ trao giải hưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng Word Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực của ngành; Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm. Nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy được hiệu quả; Chính sách thị thực còn thiếu tính linh hoạt; sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng….
Để khắc phục tình trạng trên, báo cáo cũng chỉ ra một số giải pháp cơ bản phát triển du lịch, như: Thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch. Đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường, tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận và có tầm nhìn cần lâu dài hơn. Xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo, chủ động xúc tiến quảng bá du lịch; cần nâng cao nhận thức vai trò tầm quan trọng của du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường thực thi cấp dưới; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà cho người dân và doanh nghiệp; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả gắn với nét đẹp đất nước, con người Việt Nam; phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, bền vững có tính hiệu quả cao; xây dựng chuỗi giá trị liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu; xây dựng hạ tầng giao thông thông suốt, sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch sẽ, điểm đến an toàn, văn minh; các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt nghị quyết trung ương với phương châm liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng; hình thành liên kết vùng, trục du lịch, hình thành 1 cung đường nhiều điểm đến; đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng liên kết vùng, tỉnh, cả nước.
Phát biểu tại điểm cầu của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng thông tin khái quát tình hình phát triển du lịch của tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc về sản phẩm, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực hoạt động du lịch. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Trong thời gian tới, các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý và đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch; rà soát, chuẩn hóa các điểm đến du lịch; khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ý thức cộng đồng địa phương về phát triển du lịch…
Bùi Thị Thành