Bảo tàng tỉnh Hưng Yên - Một năm nhìn lại

Thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, ngay từ đầu năm 2023, Chi bộ và Ban Giám đốc đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt từng phòng ban, xây dựng kế hoạch chi tiết đối với các hoạt động của Bảo tàng. Toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị đã chủ động, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, tích cực lao động sáng tạo và hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

Xác định công tác trưng bày, tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị phục vụ công tác chính trị của đất nước cũng như của tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức 03 cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng phục vụ Nhân dân vào các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, với các chuyên đề: Chợ Tết Việt” chào mừng 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023) và mừng Xuân Qúy Mão 2023; Chuyên đề “Phụ nữ Hưng Yên - Sáng mãi bản hùng ca” chào mừng Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); Phối hợp tổ chức Triển lãm: “Không gian Di sản văn hoá - Du lịch Hưng Yên” chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2023; phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hưng Yên tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 28 năm 2023 theo kế hoạch của UBND tỉnh. Xây dựng Đề cương và tiến hành trưng bày cố định Bảo tàng tỉnh, phần thứ nhất Hưng Yên từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Ngoài phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng, đơn vị còn tổ chức trưng bày, hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn khách đến thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,…. Tổ chức 08 cuộc trưng bày lưu động chuyên đề “Giáo dục Hưng Yên xưa và nay” và “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” tại các trường học, các Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh các huyện Văn Lâm, Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu và thị xã Mỹ Hào.

Nội dung trưng bày các chuyên đề tại Bảo tàng đã có tác dụng to lớn trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng của quê hương, đất nước; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Trong năm 2023, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã đón 181 đoàn, phục vụ 33.711 lượt khách tham quan (trong đó có 20 khách quốc tế). Đối tượng khách tham quan đến Bảo tàng rất đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên. Viết 53 tin, bài tuyên truyền về các hoạt động của Bảo tàng đăng trên trang thông tin điện tử, fanpage của Bảo tàng và trang web của Sở.

Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã tiến hành khảo sát, sưu tầm tài liệu và chỉnh lý nội dung trưng bày Nhà lưu niệm Bác Hồ, xã Nghĩa Dân (Kim Động); Nhà truyền thống xã Lạc Đạo (Văn Lâm) nhằm phục vụ cho việc thăm quan, học tập và nghiên cứu tại địa phương góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa tại địa phương.

Nhằm bổ sung nguồn tài liệu hiện vật cho Bảo tàng, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa truyền thống, đơn vị đã đẩy mạnh công tác sưu tầm, phục chế làm bản sao tài liệu hiện vật và kiểm kê di sản văn hóa. Kết quả đã đạt được như: Sưu tầm 663 tài liệu, hiện vật và 149 bản sao trang Phông Nha Kinh lược Bắc Kỳ; 3.519 trang tư liệu, tài liệu địa bạ của 5 huyện, thành phố: TP Hưng Yên, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I; bảo quản trị liệu: 281 hiện vật; bảo quản phòng ngừa cho tổng số 17.742 đơn vị tài liệu hiện vật; số hóa 54 hiện vật và không gian trưng bày tại bảo tàng; làm phiên bản 02 Bảo vật quốc gia: Tháp đất nung tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền An Xá (An Viên, Tiên Lữ); Tượng sư tử chùa Hương Lãng (Minh Hải, Văn Lâm), phục vụ công tác trưng bày, quảng bá du lịch; phục chế, làm bản sao Bảo vật Quốc gia Tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn chùa Mễ Sở (Mễ Sở, Văn Giang) phục vụ trưng bày tại bảo tàng.

Công tác kiểm kê, bảo quản: Thực hiện bảo quản phòng ngừa, tổ chức sắp xếp lại kho với tổng số 17.742 đơn vị tài liệu, hiện vật. Bảo quản phòng ngừa cho nhóm tài liệu, hiện vật liên quan tới con tàu cổ phát hiện tại Đại Tập - Khoái Châu năm 2009. Tiến hành bảo quản trị liệu cho 281 hiện vật. Chụp ảnh 488 hiện vật gốm sứ, kiểm kê, cập nhật tình trạng bảo quản 3000 tài liệu, hiện vật.

Công tác nghiên cứu, xuất bản: Phối hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm tiến hành dịch, biên tập, xuất bản sách “Địa danh làng xã tỉnh Hưng Yên qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn - tập I”; Viết bài tham luận Hôi thảo khoa học về Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phục vụ các hoạt động của Bảo tàng; Viết bài nghiên cứu Bước đầu tìm hiểu về tiến sỹ người Hưng Yên trong hội Tao Đàn”. Tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bảo tàng tỉnh luôn thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh và phòng chống cháy nổ.

Để đạt được những kết quả trên, trước hết là Bảo tàng tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch; sự quan tâm, phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân từ trung ương đến địa phương; đặc biệt là sự đoàn kết, cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ viên chức Bảo tàng tỉnh trong năm qua, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chương trình, kế hoạch của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

Nguyễn Thị Kim Ưng