Tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch

Thực hiện Công văn số 146/UBND-KGVX ngày 18/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên; Công văn số 72/BVHTTDL-DLQGVN ngày 08/01/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý đối với sản phầm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.

Ngày 23/01/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 87/SVHTTDL-QLDL "V/v tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch trên địa bàn tỉnh" đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các khu, điểm du du lịch; các công ty lữ hành, khách sạn trên địa bàn tỉnh tập trung kiểm tra, rà soát các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch thuộc nhóm có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của khách du lịch (được quy định cụ thể tại Điều 8, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP). Nội dung văn bản nêu rõ:

1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố:

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan, tuân thủ các quy định về điều kiện đối với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; chủ động kiểm tra, bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; rà soát quy trình phục vụ; xây dựng phương án phòng chống rủi ro; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng xử lý tính huống, cứu hộ, cứu nạn cho đội ngũ nhân viên, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong việc cung cấp sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm.

- Rà soát tổng thể, đánh giá nguy cơ, cảnh báo các tình huống có thể xảy ra đối với hoạt động du lịch mạo hiểm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất thường; xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn tại các khu, điểm du lịch, các khu vực có cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính chất mạo hiểm.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm trên địa bàn để phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch. Trường hợp cần thiết, yêu cầu đình chỉ, dừng hoạt động đối với tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm không đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành.

- Rà soát, bố trí, ưu tiên nâng cấp các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, biển báo, chỉ dẫn... nhằm tăng khả năng tiếp cận, nâng cao chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn trong khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm.

- Tăng cường truyền thông, thường xuyên cập nhật thông tin về các sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm trên địa bàn. Tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, khách du lịch trong quá trình cung cấp và sử dụng các sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm.

- Rà soát các loại hình sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch chưa được quy định trong Luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP để kiến nghị, đề xuất đưa vào danh mục các sản phẩm du lịch cần được tăng cường quản lý trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật.

2. Đối với các khu, điểm; các Công ty lữ hành, khách sạn:

Rà soát các sản phẩm du lịch đang triển khai hoặc thí điểm triển khai thuộc khu, điểm du lịch, sản phẩm được xây dựng hoặc liên kết trong các tour, tuyến du lịch của Công ty lữ hành, các sản phẩm du lịch mà khách sạn tham gia liên kết hoặc quảng bá tới khách du lịch có tính chất nguy cơ ảnh hưởng theo danh mục quy định./.

Doãn Thành