Thanh tra công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tại Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến

Thực hiện Quyết định số 519/QĐ-SVHTTDL ngày 30/10/2023 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Hưng Yên, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 15/17 Ban Quản lý di tích các xã, phường và Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (Viết tắt là BQL Khu di tích).

BQL Khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Hưng Yên được thành lập theo Quyết định số 2156/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh. Hiện nay, đơn vị thực hiện quản lý 19 di tích, cụm di tích; trong đó, thực hiện quản lý trực tiếp 14 cơ sở tín ngưỡng, đó là: Văn Miếu Xích Đằng, đền Kim Đằng, đền Mây (phường Lam Sơn); đình An Vũ, đền Nam Hòa; đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, đền Bà Chúa Kho, Võ Miếu (phường Quang Trung); đình Hiến, Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu Cung (phường Hồng Châu); đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi); quản lý gián tiếp theo quy định của pháp luật các di tích là các cơ sở tôn giáo gồm: Chùa Chuông (phường Hiến Nam), chùa Phố (phường Quang Trung), chùa Hiến (phường Hồng Châu), chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam); 01 nhà lưu niệm danh nhân (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ông Hoàng Oánh – Chánh thanh tra Sở công bố KLTT tại BQL Khu DTĐBQG Phố Hiến

Kể từ khi đi vào hoạt động, đơn vị đã thực hiện tốt vai trò, chức năng trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích, tham mưu với các cấp có thẩm quyền phương án tu bổ cấp thiết một số hạng mục công trình tại một số di tích có dấu hiệu xuống cấp như: chùa Chuông (phường Hiến Nam), đền Trần, đền Mẫu, đền Bà Chúa Kho (phường Quang Trung), Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (phường Minh Khai), đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi)… với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thu từ di tích. Dự kiến giai đoạn 2023 - 2025, đơn vị tiếp tục thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo các di tích: Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn), đình An Vũ (phường Hiến Nam), đền Trần, đền Mẫu (phường Quang Trung), đình Hiến (phường Hồng Châu)… từ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương (khoảng 90 tỷ đồng) và 30 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Qua kiểm tra cho thấy, quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích cơ bản đúng quy định, bảo đảm chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Các quy định quản lý xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh các loại hình di tích văn hóa vật thể, đơn vị còn chú trọng bảo tồn, giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống, các sản phẩm làng nghề... Việc bảo tồn các di tích cũng như đưa vào khai thác, phát huy giá trị di tích được thực hiện theo đúng quy định. Các nghi lễ truyền thống tổ chức tại các di tích diễn ra trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc. Tình hình an ninh trật tự, được đảm bảo. Nhận thức và hành động của người dân về thực hiện nếp sống văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại các di tích được nâng lên rõ rệt. Thông qua lễ hội khai thác những mặt tích cực có giá trị tinh thần cho cuộc sống của toàn dân để đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. 

Công tác tuyên truyền, quảng bá những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật của quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến tới nhân dân trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế luôn được quan tâm, coi trọng. Ngoài việc tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường mạng như facebook; Zalo, Cổng thông tin điện tử thành phố..., hàng năm, đơn vị còn in ấn hàng vạn tờ rơi, tờ gấp, hàng trăm ấn phẩm “Quần thể di tích Phố Hiến”, căng treo các bảng biển, băng zôn, khẩu hiệu…nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh các di tích, cụm di tích thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến tới nhân dân và du khách thập phương. Nhờ làm tốt công tác truyền, trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2023, BQL Khu di tích đã đón khoảng gần 600.000 lượt khách (trong nước, quốc tế) đến tham quan du lịch tại các di tích.

Ngoài những kết quả đạt được, Đoàn thanh tra cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích như: Thời gian lập dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích còn kéo dài; công tác giám sát các dự án tu bổ, tôn tạo chưa được sát sao, còn thiếu các chuyên gia am hiểu về nghiệp vụ công tác tu bổ, phục hồi di tích; Số lượng khách đến tham quan, chiêm bái các di tích không đồng đều. Lượng khách chủ yếu tập trung tại đền Mẫu, đền Trần, chùa Chuông, còn các di tích khác chủ yếu là nhân dân địa phương đến thắp hương vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng. Do đó, việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo vệ, trùng tu, tôn tạo tại các di tích này còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước; Hàng năm, tuy lượng du khách đã tăng nhưng thời gian lưu trú ngắn, mức độ sử dụng các dịch vụ hạn chế do thiếu hạ tầng du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác, do đó việc thu ngân sách từ hoạt động tham quan, du lịch tại di tích không đáng kể, hiệu quả đưa lại từ hoạt động này còn thấp; chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn lực du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố. Đơn vị chưa khai thác tối ưu hiệu quả các hình thức quảng bá trên các thiết bị di động, website, mạng xã hội: facebook, zalo, youtube… Các hình thức thông tin tuyên truyền thông qua ứng dụng công nghệ số chưa chuyên nghiệp, phong phú, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Từ những khó khăn, hạn chế mà Đoàn thanh tra nêu ra, tại Kết luận thanh tra số 46/KL-SVHTTDL ngày 15/12/2023, Giám đốc Sở đã kiến nghị đối với các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở, UBND thành phố và đối với đơn vị được thanh tra các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, trong đó, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của UBND thành phố Hưng Yên, đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các di tích được phê duyệt trong đề án tu bổ, tôn tạo; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Bên cạnh đó, tăng cường phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng du lịch xung quanh di tích, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đồng thời, phát huy giá trị các di tích kết hợp với di sản văn hóa phi vật thể để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa; Chỉ đạo đơn vị triển khai dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích lịch sử và kiến trúc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến đảm bảo đúng tiến độ nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di tích, bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng đất Phố Hiến, khai thác hiệu quả giá trị di tích trong phát triển đô thị tỉnh, đặc trưng là trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng; Kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác tu bổ, tôn tạo các di tích...

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến là một quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mang đậm dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam. Trong thời gian tiếp theo, BQL Khu di tích phải tiếp tục tăng cường công tác tham mưu, phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích tương xứng với tiềm năng; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực thực hiện  nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách tham quan, du lịch tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thương mại - dịch vụ và du lịch, góp phần xây dựng thành phố Hưng Yên giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống quê hương văn hiến./.

Lê Thị Diên