Du lịch Hưng Yên hướng tới “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vào thế kỷ XVI-XVII, Hưng Yên là trung tâm của trấn Sơn Nam, có thương cảng Phố Hiến nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Tuy không có rừng, có biển nhưng Hưng Yên rất ấn tượng bởi nét thăng trầm cổ kính của những di tích lịch sử, văn hóa, âm thanh sôi động của trò chơi dân gian trong lễ hội, đặc biệt là những đặc sản mang đậm tình quê, hồn đất khiến du khách “đi nhớ, về thương”.

Khai thác chương trình du lịch “Hành trình theo chân Bác” nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.05.1980-19.05.2020)

Hưng Yên đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng di tích, cụm di tích được xếp hạng. Toàn tỉnh có trên 1.802 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3 bảo vật quốc gia, 168 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 243 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và nhiều các nhà tưởng niệm anh hùng hào kiệt của đất nước. Mỗi di tích, cụm di tích là một bảo tàng sống động với rất nhiều tư liệu, cổ vật quý hiếm mang đậm chất thuần Việt nhưng lại rất đặc sắc, độc đáo.

Trải qua dấu tích thời gian nhưng các thế hệ người Hưng Yên vẫn gìn giữ được nét cổ kính của những ngôi đình, đền, chùa hàng nghìn năm lịch sử như: sự kết tinh của nền kiến trúc thuần Việt với kiến trúc Trung Hoa và các nền kiến trúc phương Tây thế kỷ XVI – XVII tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến; Văn miếu Xích Đằng là một trong sáu văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay của đất nước và là một trong hai văn miếu lâu đời nhất cả nước (đứng sau Văn miếu Quốc Tử Giám); Chùa Hiến (thành phố Hưng Yên) với cây nhãn gần 400 năm tuổi - di tích quý giá, biểu tượng cho cây đặc sản trên đất Phố Hiến; Đền Mẫu (thành phố Hưng Yên) linh thiêng, kiến trúc thuần Việt tọa lạc bên Nguyệt hồ phù hợp với quang cảnh thiên nhiên, tạo thành một điểm hấp dẫn du khách; Chùa Chuông có tam quan cổ kính với ba tầng lầu lộng lẫy, hệ thống tượng Phật độc đáo, đẹp mắt, cây cầu đá xanh, ba nhịp được xây dựng từ năm 1702, mà theo quan niệm đi qua cây cầu đá, mọi ưu tư muộn phiền đè nặng lên tâm trí, mọi khổ hạnh trần tục đều tiêu tan.

Cùng với đó, đến với Hưng Yên, du khách có thể tham quan và tìm hiểu cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch (Khoái Châu) - nơi thờ Chử Đồng Tử- Tiên Dung, một trong tứ thánh bất tử của người Việt, một thiên tình sử tuyệt vời lãng mạn; đắm mình trong nét đẹp cổ thuần Việt của làng Nôm (Văn Lâm) với cảnh quan, kiến trúc thuần Việt có một không hai ở đồng bằng sông Hồng hoặc chiêm nghiệm nét dịu dàng, nét thủy chung, lòng hiếu thảo của nàng Cúc Hoa qua câu chuyện kể của đại diện Ban quản lý cụm di tích Tống Trân – Cúc Hoa (Phù Cừ); chiêm ngưỡng bệ đá hoa sen tại chùa Hương Lãng (Văn Lâm), biểu trưng cho nghệ thuật điêu khắc thời Lý lớn nhất Việt Nam; chùa Thái Lạc (Văn Lâm) đại diện cho kiến trúc bằng gỗ thế kỷ XIII-XIV của dân tộc... 

Không chỉ có hệ thống di tích, cụm di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, Hưng Yên còn lưu giữ được hơn 500 lễ hội truyền thống phản ánh rõ nét phong tục tập quán sinh hoạt của người dân “Tiểu Tràng An” xưa kia, trong đó nổi bật nhất là lễ rước nước, cầu mưa. Cùng với đó, người dân Hưng Yên còn gìn giữ được nhiều làng nghề gắn với truyền thống mang đặc trưng yếu tố văn hóa Bắc Bộ như: Làng nghề hương Cao Thôn, mây tre đan Liên Khê, làng nghề đan đó Thủ Sỹ, chạm bạc Huệ Lai, mộc dân dụng Hòa Phong, làng nghề chế biến dược liệu Nghĩa Trai, đúc đồng Lộng Thượng, làng nghề gốm sứ, hoa cây cảnh Xuân Quan.

Bên cạnh các sản phẩm làng nghề truyền thống, nhờ thiên nhiên ban tặng, Hưng Yên còn có nhiều sản vật quý giá, mang bản sắc độc đáo của địa phương có giá trị phục vụ du lịch như: Nhãn lồng, ếch om Phượng Tường, chả gà Tiểu Quan, bún thang, bánh tẻ Phụng Công, bánh cuốn Mễ Sở, chè sen long nhãn. Đến với Hưng Yên, du khách sẽ được sống trong không khí nô nức lễ hội đầu xuân, trải nghiệm những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của nền văn minh nông nghiệp, tự tay hái và thưởng thức những trái nhãn lồng có vị ngọt thanh, thả bộ trong không gian thơm ngát của những cánh sen hồng, trở về ký ức tuổi thơ với cánh đồng hoa cải bạt ngàn, được nhâm nhi vị ngọt bùi của hạt sen, long nhãn, thỏa sức ngắm nhìn những vườn quất rực rỡ, tự mình làm những món ăn dân dã nhưng ấm đượm tình người...

Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển nhưng du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp. Thực tế du lịch của Hưng Yên mang tính tự phát, manh mún, việc đầu tư phát triển du lịch chỉ dựa trên cái mà mình sẵn có và làm theo cách dễ nhất, chưa chú trọng đến nhu cầu của khách du lịch. Và như vậy, vô hình chung, những điều này đi ngược lại nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, một mục tiêu cơ bản và cần thiết trong xây dựng và phát triển của ngành du lịch hiện đại.

Với mong muốn “đánh thức” tiềm năng du lịch Hưng Yên, để du lịch Hưng Yên có điểm nhấn trên bản đồ du lịch của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lưu trú, ban quản lý di tích, câu lạc bộ văn hóa, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, làng nghề, khu, điểm du lịch, các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch…trên địa bàn tỉnh tham gia thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh. Đến nay đã có hơn 90 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm đơn xin gia nhập Hiệp hội Du lịch tỉnh. Hiện tại, Ban vận động thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh đã thảo luận thống nhất các văn kiện: Báo cáo kết quả công tác vận động; Dự thảo Điều lệ hoạt động Hiệp hội; Phương hướng hoạt động Hiệp hội; Nhân sự Thường trực, Ban Chấp hành và các điều kiện cần thiết cho Đại hội đại biểu Hiệp hội Du lịch tỉnh lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 – 2025, góp phần đ¬ưa du lịch Hưng Yên ngày càng phát triển.

Đoàn Văn Hòa
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy 
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch