Hưng Yên tham gia liên hoan hát Văn, Chầu văn toàn quốc năm 2021

Từ ngày 15 đến 18/4/2021, tại Đền Chân Suối, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021.

Liên hoan thu hút sự tham gia của gần 400 nghệ nhân, cung văn, hầu giá, diễn viên, nhạc công của 18 tỉnh thành trên toàn quốc: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái... Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 5 năm triển khai chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia Liên hoan

Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Hưng Yên trình diễn 02 tiết mục: Nghi lễ hầu Quan Lớn Đệ Tam và hát Văn “Phú Nguyệt hồ”. Đây là một thể loại thế mạnh của tỉnh - một trong những cái nôi hình thành và phát triển của nghệ thuật hát Văn, hát Chầu Văn. Với chất giọng mượt mà, trầm ấm và lối trình diễn cuốn hút của các nghệ nhân, diễn viên cùng sự cộng hưởng của các yếu tố đạo cụ sân khấu, dàn nhạc đệm, âm thanh, ánh sáng... đã tạo nên một chương trình biểu diễn thực sự hấp dẫn khán giả. Kết quả Đoàn giành 01 giải A và 01 giải B.

Hát Văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Đây là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và múa minh họa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Hát Văn thường diễn ra nơi cửa đền, các nghi thức với nội dung cốt chuyện sâu sắc. Trình tự câu chuyện trải qua bốn bước nghi lễ: Mời thánh nhập, sự tích công đức của vị thánh, xin thánh phù hộ và đưa tiễn thánh. Mỗi câu chuyện được chuyền tải đến người xem qua mọi giác quan như: Thính giác, thị giác và cảm giác. Các cung văn sử dụng thủ pháp tự sự, trữ tình với kỹ thuật nảy hạt, thô mộc, giản dị đậm chất dân giã của âm nhạc cổ truyền nhưng cũng khéo léo kết hợp tính hoa mỹ tinh tế của các loại hình dân ca của các vùng miền. Được sự trợ giúp của nhóm hầu dâng để biến trang phục, đạo cụ thoắt ẩn, thoắt hiện trước mắt người xem. Sự nhập vai xuất thần qua hành động diễn xuất của thanh đồng đã góp phần tạo sự đồng cảm với khán giả ở nhiều cung bậc cảm xúc vui, buồn khác nhau. Hòa cùng “dòng chảy” âm thanh điêu luyện của ban nhạc dân tộc tạo nên sự tinh tế, mê ly, huyền ảo, có sự kết hợp giữa cũ và mới mang lại sự thích ứng với cuộc sống đương đại của hát Văn, hát Chầu Văn.

Theo Ban Tổ chức, Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021 được tổ chức với mong muốn đưa nghệ thuật hát Văn, hát Chầu Văn vốn trước đây ngủ quên trong những trang sách phủ bụi thời gian hoặc lẩn khuất đâu đó trong các sinh hoạt đền, phủ... nay có thể đàng hoàng bước ra trình diễn trước công chúng bằng những vũ điệu thánh thần, dìu dặt và mê hoặc trên nền nhịp phách độc đáo, mềm mại, quyến rũ, dồn dập, khỏe khoắn, vui tươi cùng lời văn đầy ắp chất thơ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Trong 04 ngày diễn ra Liên hoan, gần 100 tiết mục trong đó có 20 bài hát Văn (bao gồm cả hát văn nghi lễ và hát văn đặt lời mới), 75 nghi thức (giá hầu) được trình diễn. Có thể nói, thanh âm huyền diệu, ngọt ngào tại Liên hoan này được cất lên bởi đầy ắp hơi thở đất trời giao hòa mấy ngàn năm cha ông dựng nước, chất chứa tiếng phong ba lộng gió bốn phương, cho ta niềm tự hào non sông đất Việt, cùng lời ca mênh mang về miền quá khứ hào hùng của những bậc tiền nhân quả cảm; chứa đựng sự tri ân đối với những bậc tiền nhân có công chống giặc ngoại xâm, dựng nước, lập ấp, lập làng, truyền dạy nghề nghiệp cho nhân dân; rạng rỡ ánh mặt trời, rực sáng niềm tin yêu hướng về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Nhiều phần trình diễn đã được Hội đồng thẩm định  đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Trong những ngày diễn ra Liên hoan, sân khấu Đền Chân suối, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc thực sự là một thánh đường nghệ thuật nâng bước nghệ sỹ, nghệ nhân thăng hoa, kiến tạo nên những tiết mục hay, những nghi thức đặc sắc. Đồng thời, tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu Văn; tạo cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hoá phi vật thể của các địa phương trong toàn quốc.

Một số hình ảnh của Đoàn Nghệ thuật quần chúng  tỉnh Hưng Yên:

Trình diễn Nghi thức Quan Lớn Đệ Tam

Tiết mục hát Văn Phú Nguyệt hồ

Doãn Thành

Theo: Trung tâm Văn hóa tỉnh