Bảo tàng tỉnh Hưng Yên với công tác phát huy giá trị tư liệu Châu bản triều Nguyễn sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I

Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bắt đầu từ vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và kết thúc khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945. Trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền triều Nguyễn đã sản sinh ra một hệ thống văn bản hành chính khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Hệ thống văn bản này do Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình gọi chung là “Châu bản triều Nguyễn”. Đây là khối tài liệu duy nhất tại Việt Nam lưu lại bút tích của nhà vua phê duyệt chi tiết mọi vấn đề của đất nước trên văn bản và là nguồn tài liệu gốc vô cùng quý giá, giúp nghiên cứu toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử. Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới.

Với những giá trị đặc biệt đó, năm 2021 Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã chú trọng và tiến hành công tác sưu tầm Châu bản triều Nguyễn có liên quan tới chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Khoảng 130 Châu bản tiêu biểu được lựa chọn từ 216 Châu bản sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã tổ chức trưng bày chuyên đề: “Hưng Yên qua tư liệu Châu bản triều Nguyễn” nhân dịp 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên (1831 - 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941 - 7/2021) và 25 năm tái lập tỉnh (01/01/1997 - 01/01/2022).

Nội dung trưng bày chuyên đề  được thể hiện thông qua những Châu bản triều Nguyễn là các chiếu, chỉ dụ, sắc của nhà vua; các bộ (Bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công), các cơ quan, cá nhân trong bộ máy hành chính vâng theo lệnh chỉ, dụ tiến hành công bố, thực hiện các chủ trương, quyết sách, mệnh lệnh hoặc những chỉ thị mang tính pháp quy của nhà vua; các bản tấu, tư trình, phúc trình do các bộ, các địa phương trình lên nhà vua; các bản sớ, tư trình của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong bộ máy hành chính tỉnh Hưng Yên gửi các bộ và các văn bản của các bộ trả lời, phúc trình các bản sớ, tư trình của địa phương gửi lên. Đây là những Châu bản triều Nguyễn có nội dung về 6 vấn đề:

1.Tổ chức bộ máy hành chính;

2. Văn hóa, giáo dục;

3. Dân cư, ruộng đất, thuế khóa, tài chính;

4. Quân sự;

5. Pháp luật

6. Xây dựng, giao thông.

Trưng bày chuyên đề giúp khách tham quan có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử tỉnh Hưng Yên thời Nguyễn; đồng thời khẳng định những truyền thống tốt đẹp của mảnh đất và con người nơi đây. Qua đó, cho thấy những đóng góp không nhỏ của vùng đất Hưng Yên văn hiến trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Nhằm phát huy hơn nữa nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, năm 2022, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên có kế hoạch xuất bản ấn phẩm “Châu bản triều Nguyễn về Hưng Yên”. Cuốn sách ra đời mong muốn góp thêm một tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu về lịch sử Hưng Yên dưới triều Nguyễn trên một chiều cạnh mới./.

Doãn Thành

Theo: Bảo tàng tỉnh