Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 23/11/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3. 

Ngày 9/9/2022, Chủ tịch nước ký ban hành Quyết định số 1020/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân Nhân dân" cho 64 cá nhân và Quyết định số 1021/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu  vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho 547 cá nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3. Trong số này, tỉnh Hưng Yên có 01 nghệ nhân ưu tú được phong tặng danh hiệu  vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân Nhân dân" là bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) và 16 cá nhân được phong tặng danh hiệu  vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân ưu tú". Đây là các nghệ nhân có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc; có nhiều cống hiến, tiêu biểu đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương; có nhiều thành tích, giải thưởng về nghệ thuật.

Thừa ủy quyền của UBND tỉnh đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL trao danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các "Nghệ nhân Nhân dân", “Nghệ nhân ưu tú”

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân", “Nghệ nhân ưu tú” tặng các nghệ nhân; đồng thời mong muốn các nghệ nhân tiếp tục phát huy truyền thống; trao truyền những tri thức, kỹ năng để cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

“Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu trữ bằng trí nhớ, chữ viết, lưu truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống của dân tộc và những tri thức dân gian khác.

Hưng Yên, miền đất cổ vùng Châu Thổ Sông Hồng với danh xưng Phố Hiến khắc ghi vào sử tích, mang đậm sắc thái của nền văn minh sông Hồng; là vùng đất có mật độ di tích lịch sử - văn hóa phong phú đứng thứ 3 trên toàn quốc, Phát huy những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung và giá trị văn hóa phi vật thể nói riêng, những năm qua ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm các lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể ngày càng có chất lượng.

Hiện nay, Hưng Yên có 1802 di tích trong đó có 03 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, 175 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 267 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh, 6 bảo vật quốc gia, 02 lễ hội truyền thống và 01 nghệ thuật trình diễn dân gian hát trống quân được đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia (Nghệ thuật Hát Trống quân, Lễ hội đền Tống Trân, Lễ hội Cầu mưa), Hưng Yên còn lưu giữ được kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng với trên 500 lễ hội, 147 làng nghề truyền thống, 243 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, ngụ ngôn, truyện cổ tích, hát ru, văn tế cùng 34 nghệ nhân ưu tú, 01 nghệ nhân nhân dân”.

Doãn Thành