Hội nghị đánh giá, thẩm định hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023

Sáng ngày 27 tháng 4 năm 2023, tại hội trường Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên đã diễn ra hội nghị đánh giá, thẩm định hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể thuộc Sở VHTTDL (gọi tắt là Hội đồng thẩm định) nhằm thẩm định, đánh giá đối với  hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền An Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2023.

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp; tham dự cuộc họp còn có các khách mời đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên, UBND huyện Tiên Lữ, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Lữ; Ban Quản lý di tích cơ sở xã An Viên cùng các cán bộ lập hồ sơ khoa học DSVHPVT.

Lễ hội Đậu An được tổ chức từ ngày 6 đến 12 tháng 4 (âm lịch). Trong đó ba ngày 6, 7 và 8 là ngày hội chính. Ngày 6 là ngày khai hội - ngày nhân dân tổ chức dâng hương bái yết Ngọc Hoàng. Lễ dâng hương có sự hiện diện của Thiên tiên, Địa tiên và Ngũ Lão tiên ông. Theo dân gian, Thiên tiên và Địa tiên là hai người to lớn dị thường, được Ngọc hoàng phái xuống hạ giới. Tại chốn trần gian, hai vị đã sinh ra nhiều con cháu, rồi khẩn khoang đất trống lập làng "Chạ Xá ". Sau đó, Ngũ Lão tiên ông cũng được phái xuống hạ giới giúp Thiên tiên, Địa tiên hướng dẫn nhân dân diệt trù thú dữ và phát triển nghề trồng lúa nước. Ba vị tiên này được nhân dân vô cùng tôn kính và biết ơn. Ngày mồng 7, lễ hội cũng được diễn ra hết sức long trọng. Các kiệu thờ được rước vùng quanh làng. Những người đi rước kiệu mặc áo màu hồng hoặc mầu đen mang đai thắt. Đi trước mỗi chiếc kiệu là một cụ ông gõ "trống lệnh", với trang phục áo the đen, khăn xếp. Kiệu đặc biệt nhất là kiện Bát cống, rước Ngọc Hoàng Thượng đế, đi dưới kiệu là ông thầy cả (người trông coi đền Thượng) với trang phục "áo ngự" có "cận thần" theo sau "hầu quạt". Khi kiệu Ngọc Hoàng và các vị tiên được rước qua, ở đầu mỗi ngõ xóm đều được dân làng bày bàn thờ và lễ vật cúng tiến… Ngày mồng 8 được coi là ngày hội lớn nhất của Lễ hội Đậu An. Đây là ngày nhân dân trẩy hội đông nhất. Bao dòng người nô nức tiến đến trước cửa "tổ hùm" - xóm Đình Vô - để được xem biểu diễn Sự tích đánh hổ.

Lễ dâng hương đền Đậu An

Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng đã tập trung thảo luận các vấn đề chính như sau: sự hình thành của lễ hội, diễn trình của lễ hội, các giá trị tiêu biểu của lễ hội và vai trò của lễ hội đối với cộng đồng cư dân nơi diễn ra lễ hội. Từ đó đưa ra các phương hướng để duy trì và phát huy các giá trị của lễ hội trong giai đoạn hiện nay.

Sau một thời gian thảo luận, các thành viên trong Hội đồng nhận định: Lễ hội đền Đậu An mang giá trị văn hoá đặc sắc, 100% các thành viên trong Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý Lễ hội đền Đậu An đủ tiêu chí để đề nghị cấp có thẩm quyền đưa vào danh mục  Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2023./.

Doãn Thành

Theo: Ban quản lý di tích tỉnh