Tìm "đặc sản" cho du lịch tỉnh Hưng Yên

Ngày 20/5/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên.

Trước Hội nghị, các đại biểu đã khảo sát nhiều điểm đến đặc sắc của du lịch Hưng Yên gồm: Trung tâm Tinh Hoa Làng nghề Việt, chùa Mễ Sở, Khu đô thị Ecopark. (Ảnh: Linh Tâm)

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Hiệu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết, tài nguyên du lịch Hưng Yên chủ yếu là hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc với 1.802 di tích (3 di tích, khu di tích Quốc gia đặc biệt; 172 di tích, cụm di tích quốc gia - đứng thứ 3 trong cả nước; 257 di tích cấp tỉnh); có 6 bảo vật quốc gia; hơn 400 lễ hội truyền thống; các tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn, làng nghề, đô thị Ecopark… 

Tỉnh Hưng Yên đang tích cực nghiên cứu để phát huy hợp lý các tiềm năng, tài nguyên cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ông Hiệu cho hay, thời gian qua, lĩnh vực du lịch được tỉnh Hưng Yên quan tâm phát triển. Lượng khách du lịch đến Hưng Yên ngày càng tăng, sản phẩm du lịch cũng đa dạng hơn. 

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đã trao Quyết định công nhận Điểm du lịch Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt - Điểm du lịch thứ 4 của tỉnh. (Ảnh: Linh Tâm)

Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đến Hưng Yên ở mức thấp so với thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh, chủ yếu là khách trong vùng, thời gian lưu trú ngắn. 

Do đó, ngày 14/3/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Hưng Yên thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở cửa hoạt động du lịch. 

Hiện nay, UBND tỉnh đã công nhận 3 điểm du lịch: Đền Đa hòa (huyện Khoái Châu); Đền An Xá (huyện Tiên lữ); Đền Phù Ủng (huyện Ân Thi). Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đã trao Quyết định công nhận Điểm du lịch Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt - Điểm du lịch thứ 4 của tỉnh. 

"Bên cạnh đó, đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thiện việc đầu tư xây dựng Con đường di sản ven sông Hồng, có điểm đầu từ Xuân Quan, điểm cuối là phố Hiến xưa, qua đó thu hút các nhà đầu tư để xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh", ông Hiệu thông tin.

Các đại biểu khảo sát chùa Mễ Sở. (Ảnh: Hồ Hạ)

Hưng Yên có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên, ông Hiệu cũng thẳng thắn thừa nhận, tiềm năng và thế mạnh du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. Sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp. 

Mặt khác, du lịch Hưng Yên đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập trên nhiều phương diện, nhiều cấp độ, có thể tác động sâu đến việc phát triển của ngành cũng như của nền kinh tế- xã hội trong tỉnh. 

Ông Hiệu liệt kê một sốn những hạn chế, bất cập của ngành kinh tế xanh Hưng yên như: Phần lớn tài nguyên du lịch của tỉnh là các di tích lịch sử, văn hóa chưa thu hút nhiều khách du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật (bao gồm hệ thống các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch,…) thiếu và xuống cấp; 

Đặc biệt, tầm nhìn quy hoạch, đầu tư cho du lịch còn thấp, chưa ổ̉n định, thiếu tính lâu dài; sản phẩm du lịch chưa phong phú, trùng lặp; Chất lượng sản phẩm thấp, không đạt chuẩn; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, những năm qua, hàng năm tỉnh Hưng Yên đều phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn Famtrip, Hội thảo xúc tiến du lịch, nhưng mỗi năm đi một huyện, thành phần lại khác nhau nên các doanh nghiệp lữ hành và báo chí chưa có cái nhìn tổng thể về du lịch Hưng Yên. 

Do đó, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho rằng, Hưng Yên cần chọn ra điểm nhấn có thể là tour Kinh kỳ - Phố Hiến, phát triển các dịch vụ đêm ở Phố Hiến gắn với ẩm thực, liên kết với các điểm đến như chùa Nôm. Hoặc liên kết Ecopark, chùa Mễ Sở, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt để tổ chức các tour 1 – 3 ngày cuối tuần cho các gia đình ở Hà Nội trải nghiệm… 

“Tỉnh Hưng Yên có thể mời các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý cũng như tham gia xây dựng tour, sản phẩm để doanh nghiệp chào bán ngay, kết hợp với tăng cường truyền thông, quảng bá điểm đến”, ông Phương nói.

Các đại biểu khảo sát Khu đô thị Ecopark

“Hiến kế” để du lịch Hưng Yên bứt phá, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho rằng, tỉnh Hưng Yên có tài nguyên phát triển du lịch nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún và ở dạng phổ thông, không có sự đặc sắc và đủ lớn, nổi bật để du khách quyết định đến Hưng Yên. Bên cạnh đó, các tài nguyên du lịch vốn manh mún, nhỏ lẻ đó lại chưa được kết nối, sắp xếp chặt chẽ, khoa học, logic nên chưa hấp dẫn. 

Do đó, ông Tài cho rằng, với lợi thế nông nghiệp, nhất là các làng nghề trồng hoa, Hưng Yên có thể tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà vườn đang trồng hoa, cây cảnh, rau sạch làm các famstay, homestay cho du khách lưu trú. Như vậy sẽ tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch ở khu vực quanh Hà Nội và doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể thiết kế các tour 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm khám phá Hưng Yên kết hợp với trải nghiệm làm nông nghiệp, check-in với hoa. 

“Tôi tin khi tạo được sản phẩm du lịch nổi trội và khác biệt, du lịch Hưng Yên sẽ xây dựng được hình ảnh điểm đến hưng thịnh và yên bình”, ông Tài nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Mekong Rustic và Crystal Holidays cho rằng, tỉnh Hưng Yên cần chọn một sản phẩm trọng tâm để phát triển du lịch và nâng tầm, thể hiện nó trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo ông Bích, nếu xác định phát triển du lịch để phát triển kinh tế địa phương bền vững thì cần phải gắn ngành kinh tế xanh với lợi thế của địa phương. 

“Tỉnh Hưng Yên có huyện Văn Giang có nghề hoa, cây cảnh đang mang lại giá trị kinh tế cho địa phương thì cần làm du lịch gắn với làng nghề này. Ví dụ, có những cơ sở lưu trú tại vườn hoa như ông Tài vừa nói thì du khách đến ở, họ sẽ tự truyền thông, quảng bá cho điểm đến trên các mạng xã hội. Đây là cách làm du lịch hiệu quả nhất”, ông Bích chia sẻ. 

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp còn cho rằng, tỉnh Hưng Yên có nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP, do đó, tỉnh có thể xây dựng mâm quốc cỗ riêng đặc trưng cho Hưng Yên để thu hút du khách trải nghiệm ẩm thực; thu hút đầu tư các cơ sở lưu trú và phát triển phố đi bộ, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm ở Phố Hiến; tại mỗi khu, điểm du lịch cần tổ chức các gian hàng, quầy bán sản vật, quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh Hưng Yên… để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và phát triển kinh tế địa phương. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng kỳ vọng Điểm du lịch Trung tâm Tinh Hoa Làng nghề Việt sẽ phát huy được những giá trị hiện có, kết nối được các tour tuyến du lịch, trở thành một điểm đến thu hút du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển du lịch của Hưng Yên, tạo việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo: https://baodautu.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
106 người đang online