28/09/2019 | lượt xem: 6 Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới Sáng 27/9, tại TP Phủ Lý, Hà Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm cùng đại diện lãnh đạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở và các đồng chí Giám đốc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh. Theo đó, thực hiện Quyết định số 31/QĐ – BCĐCTMTQG ngày 5/9/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010- 2020 ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân nhiệm vụ tổng kết nội dung về "Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn (bao gồm hoàn thiện hệ thống Trung tâm văn hóa – thể thao, Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn bản). Cùng với đó là kết quả thực hiện tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí 16 về văn hóa; đề xuất định hướng và giải pháp thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020". Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Hội nghị hôm nay là dịp để chúng ta đánh giá một cách toàn diện 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó tập trung đánh giá sâu sắc về công tác chỉ đạo, công tác tổ chức thực hiện và những kết quả đã đạt được, và những hạn chế, khó khăn. "Liệu các tiêu chí đưa ra đã phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ và phát huy hiệu quả, công tác xã hội hóa về việc thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương ra sao. Từ đó chỉ ra nguyên nhân và rút ra những bài học trong việc tổ chức thực hiện tiêu chí văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; những bài học trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn xem đã đảm bảo kịp thời, hiệu quả hay chưa; việc triển khai của các địa phương đã đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả; sự phối hợp trong công tác đã đảm bảo tính chặt chẽ". Cùng với đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở, địa phương. Chủ động, mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, các Bộ, Ngành về các giải pháp, các chính sách để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 8/2019, cả nước có 7.035/8.982 (đạt 78,3%) Trung tâm văn hóa – Thể thao xã trong đó có 5.030/7.035 (đạt 71,4%) đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về cơ bản, các địa phương đã quan tâm xây dựng hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách báo, thể thao quần chúng. Đối với hoạt động thể dục thể thao, hiện có khoảng trên 70% xã đã dành quỹ đất cho tiêu chí này. Phong trào tập luyện thể dục thể thao của nông dân với phương châm "Mỗi người chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện hàng ngày". Tính đến nay cả nước có trên 38.000 câu lạc bộ thể dục thể thao trên địa bàn cấp xã hoạt động thường xuyên. Mỗi năm có trung bình 36.000 giải thể thao cấp xã được tổ chức. Việc thực hiện tiêu chí 16 về văn hóa, nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của nhà nước, các phong trào của địa phương. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng đất nước. Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cư trú tại những địa bàn khác nhau với bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú, với 26 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 3.423 di tích quốc gia; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh/thành và gần 69.000 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, trong đó có 288 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo riêng trong bảo tồn phát huy, giao lưu và truyền giữ các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống. Đề án học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa đã triển khai thực hiện ở khắp các địa phương. Hiện cả nước có 3.257 thư viện cấp xã, hơn 16.000 thư viện/tủ sách công cộng cơ sở, trên 60 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên phạm vi cả nước và hơn 22.000 thiết chế văn hóa truyền thống như đình, đền, chùa…tạo nên không gian văn hóa đa dạng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo của người dân. Trong phần phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhất trí với các kiến nghị của một số đại biểu khi cho rằng cần phải tăng cường đầu tư cho văn hóa, bởi thực tế hiện nay, việc đầu tư cho văn hóa phải tương xứng so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, như các địa phương đã vào cuộc, nhưng sự phối hợp chưa sâu sát. Sự phối hợp giữa ngành văn hóa với các ngành khác, lĩnh vực khác tại nhiều địa phương còn lỏng nẻo, chưa thực sự ưu tiên cũng như đề cao vai trò của văn hóa. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị các địa phương cần hết sức lưu ý tới việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Bởi, xây dựng nông thôn mới phải căn cứ vào nền tảng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, không được phá vỡ cảnh quan môi trường đặc biệt là môi trường văn hóa. Làm thế nào phát huy được sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, trong đó quan trọng nhất là chủ thể người dân, cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng vào việc xây dưng các tiêu chí văn hóa trong nông thôn mới. Đặc biệt, cần tránh lãng phí trong hoạt động triển khai xây dựng các tiêu chí văn hóa trong phong trào nông thôn mới - Thứ trưởng nhấn mạnh./. Theo: https://bvhttdl.gov.vn
Hội nghị tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động câu lạc bộ gia đình năm 2024
Hội nghị tập huấn Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Tổng kết 5 năm phong trào xây dựng gia đình văn hoá và biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc tỉnh Hưng Yên lần thứ IV - năm 2023