Văn Lâm: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa

Huyện Văn Lâm là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hiến, có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều giá trị tiêu biểu. Trên địa bàn huyện có 167 di tích lịch sử, văn hóa, 89 lễ hội truyền thống…

Du khách tham quan làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm)

Về thăm chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của ngôi cổ tự gần 1.000 năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến thiên của lịch sử, hiện nay ngôi chùa vẫn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu mang đặc trưng kiến trúc nghệ thuật từ thời nhà Lý. Trong đó, tượng sư tử đá chùa Hương Lãng và hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng được công nhận là bảo vật quốc gia. Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng là một trong ba tác phẩm điêu khắc đá đồ sộ, to lớn, mỹ thuật đẹp của thời Lý còn lưu giữ ở nước ta và là bệ đá hoa sen có hình tượng linh vật sư tử đội tòa sen lớn nhất cả nước mà đến nay chưa có bệ đá nào có thể so sánh được. Tượng có chiều dài 4,2m, rộng 3,5m, cao 1,15m được ghép bằng các viên đá vuông chạm hình hoa thiêng mềm mại, các khối nổi trên bề tượng hầu như không có góc cạnh gồ ghề, tất cả đều nhẵn, êm và trau chuốt, không có chỗ ngắt nhịp đột ngột. Hệ thống thành bậc đá gồm những thành bậc bằng đá, xưa kia vốn nằm hai bên các bậc cấp dẫn lên chính điện chùa, trong đó có 6 thành bậc chạm khắc hình sấu đá quay đầu ra phía trước, chia lối lên chính điện thành 5 lối. Mỗi thành bậc đá đều chạm hình tượng phượng, sấu, hoa cúc dây… rất tinh xảo. 

Rời chùa Hương Lãng, đến dâng hương lễ phật, chiêm bái ở chùa Thái Lạc (xã Lạc Hồng), du khách sẽ trầm trồ trước nghệ thuật điêu khắc trên gỗ tinh xảo của các bậc tiền nhân thời Trần tại đây. Chùa Thái Lạc được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 24.12.2018 tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo thư tịch cổ, chùa được khởi dựng vào thời Trần (1225-1400). Chùa đẹp và nổi tiếng không chỉ bởi vẻ ngoài đồ sộ, rộng lớn mà còn bởi nơi đây là một bảo tàng chứa đựng nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ thời Trần. Nghệ thuật chạm khắc gỗ tại chùa mang tính điển hình cho nghệ thuật chạm gỗ sớm nhất ở Việt Nam, tập trung chủ yếu tại tòa Thượng điện. Thượng điện gồm 3 gian với bộ vì được tạo tác theo kiểu giá chiêng trong lồng lá đề. Loại hình này ở nước ta rất hiếm, ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chùa Dâu và chùa Bối Khê. Qua những lần trùng tu, một số cấu kiện đã hỏng nhưng kiến trúc, kết cấu vẫn hoàn toàn giữ nguyên theo lối cổ. Hiện tại, chùa còn bảo lưu được: 20 bức phù điêu gỗ (thế kỷ XIV), 3 bia đá (thế kỷ XVI - XVII), tượng Pháp Vân (thế kỷ XVII), chuông đồng (nhà Nguyễn), gạch cổ (mang phong cách thế kỷ thứ  XVI – XVII)… 

Những di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Văn Lâm mang đậm văn hóa Kinh Kỳ, Kinh Bắc và Phố Hiến. Trong những năm qua, để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, huyện chỉ đạo các phòng, ban và địa phương triển khai nhiều hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu với UBND huyện ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa; phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh, UBND các xã, thị trấn cùng các Ban Quản lý di tích cơ sở thống kê, kiểm kê di vật, cổ vật; cử người trông nom và bảo quản di vật, cổ vật tại các di tích. Đối với các di vật, cổ vật có giá trị đưa vào danh mục hồ sơ kiểm kê của Ban Quản lý di tích tỉnh để có những biện pháp quản lý chặt chẽ theo luật định. Việc phát huy giá trị di tích được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hướng dẫn tham quan tại các di tích; tổ chức các hoạt động, các sự kiện nhằm phát huy giá trị của di tích; khai thác giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch, trong đó đã chú ý khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh… Hiện nay, huyện Văn Lâm đã xây dựng được tuyến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống, kết nối các di tích lịch sử trong huyện và ngoài huyện. Đó là tuyến du lịch tâm linh đền Ghênh - chùa Nôm - làng Nôm - làng nghề đúc đồng Lộng Thượng; tuyến chùa Nôm - chùa Thái Lạc - làng hoa Ngọc Quỳnh; tuyến Nhà thờ Trạng Nguyên Dương Phúc Tư - làng làm giò, chả Lạc Đạo - làng Nôm; tuyến chùa Nôm - làng đúc đồng Lộng Thượng - khu đô thị Ecopark; kết nối tuyến chùa Nôm - làng Nôm - Đền thờ Kinh Dương Vương (Thuận Thành, Bắc Ninh); tuyến chùa Nôm - chùa Chuông (thành phố Hưng Yên)... Cùng với đó, huyện tích cực giới thiệu, quảng bá về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống…

Việc phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án để trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị tiêu biểu của địa phương được chú trọng. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Văn Lâm đã có 4 di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo theo Đề án của UBND tỉnh gồm: Chùa Thái Lạc (xã Lạc Hồng); chùa Ông (xã Tân Quang); đình Đồng Chung, đình Mễ Đậu (xã Việt Hưng); 2 di tích được huyện và xã đầu tư tu bổ, chống xuống cấp gồm: đình Trịnh Xá, xã Chỉ Đạo; đình Thanh Miếu, xã Việt Hưng… Cùng với đó, nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang bằng nguồn xã hội hóa như: Nghè Minh Khai, đình Ngô Xuyên (thị trấn Như Quỳnh); đình Đại Từ (xã Đại Đồng)...

Theo: http://baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
104 người đang online