15/09/2022 | lượt xem: 6 Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch Hưng Yên Trong thời gian qua, việc quan tâm xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, có chiến lược thu hút khách du lịch phù hợp là những giải pháp được ngành du lịch của tỉnh chú trọng thực hiện ngay sau khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch. Đây là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, góp phần đưa du lịch Hưng Yên phát triển khởi sắc trở lại. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, tỉnh xác định phải chú trọng làm mới sản phẩm du lịch sẵn có và xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, độc đáo. Do vậy, bên cạnh du lịch tâm linh, du lịch lễ hội dân gian truyền thống…, tỉnh sẽ tạo thêm sức hút bằng việc đưa vào các hoạt động khám phá du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng; du lịch làng nghề... Đồng chí Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Khi thị trường du lịch nối lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những du khách không chỉ tìm đến những sản phẩm thông thường mà mong muốn được tiếp cận những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Sản phẩm du lịch mới có thể được xây dựng với điểm đến mới, hoặc điểm đến cũ nhưng gia tăng những trải nghiệm mới, hoặc tạo ra những phong cách du lịch khác lạ. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã lựa chọn hình thức du lịch đến thành phố Hưng Yên để tham quan những vườn nhãn sai trĩu quả và thưởng thức hương vị thơm ngon của loại quả “đặc sản tiến vua” nức tiếng xa gần. Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Từ đầu vụ nhãn đến nay, hợp tác xã đã đón khoảng 10 đoàn khách du lịch đến tham quan, mỗi đoàn có 5 – 50 người, đến từ các tỉnh, thành phố như: Thanh Hoá, Quảng Ninh, Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội… Ngoài ra còn có các đoàn khách quốc tế đến từ các nước như: Singapore, Nhật Bản, Pháp, Đức… Đoàn khách tham quan đều đặt lịch trước qua số điện thoại liên hệ của hợp tác xã đăng tải trên mạng Internet và thường đến vào những ngày cuối tuần. Đến đây, du khách được các thành viên hợp tác xã hướng dẫn tham quan những vườn nhãn có quy mô lớn với chất lượng quả tuyển chọn, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Tất cả các đoàn đều được phục vụ nước uống và thưởng thức nhãn tại vườn miễn phí”. Mặc dù khá bận rộn với công việc thu hái, song các nhà vườn trên địa bàn thành phố Hưng Yên đều niềm nở đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về vùng đất, con người xứ Nhãn. Việc làm mới sản phẩm du lịch để thu hút du khách cũng là mục tiêu được nhiều địa phương, doanh nghiệp làm du lịch hướng đến. Huyện Văn Giang đã khai thác thêm tuyến tham quan Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, chùa Mễ Sở, Khu đô thị Ecopark. Tại mỗi điểm đến, du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Chẳng hạn, đến tham quan chùa Mễ Sở (xã Mễ Sở), các du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn hay còn gọi là Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận là bảo vật quốc gia. Hay khi đến tham quan Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (xã Xuân Quan) du khách sẽ được tận mắt chứng kiến bảo tàng gốm sứ cổ “độc nhất vô nhị” của Việt Nam. Còn khi tới Khu đô thị sinh thái Ecopark, du khách sẽ được hòa mình với không gian xanh gần gũi với thiên nhiên, mô hình thiết kế nhà ở thông minh và hệ thống dịch vụ tiện ích hoàn hảo... Nhờ biết cách làm mới không chỉ với các sản phẩm du lịch dịch vụ, mà còn bằng sự năng động, nhạy bén trong công tác kích cầu, du lịch Hưng Yên đang dần xóa đi khái niệm điểm đến mùa vụ, thu hút khách du lịch đến với tỉnh thường xuyên hơn. Đồng chí Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tỉnh Hưng Yên có nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP, do đó tỉnh có thể xây dựng mâm “Quốc cỗ” riêng đặc trưng cho Hưng Yên như: Chả gà Tiểu Quan, ếch om Phượng Tường, thịt gà Đông Tảo, cá mòi, bánh răng bừa, bún thang, tương Bần, chè sen long nhãn… để thu hút du khách trải nghiệm ẩm thực; thu hút đầu tư các cơ sở lưu trú và phát triển phố đi bộ, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm ở Phố Hiến; tại mỗi khu, điểm du lịch cần tổ chức các gian hàng, quầy bán sản vật, quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh… để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và phát triển kinh tế địa phương. Khi tạo được sản phẩm du lịch nổi trội và khác biệt, du lịch Hưng Yên sẽ xây dựng được hình ảnh điểm đến hưng thịnh và yên bình. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./. Theo: http://baohungyen.vn
Chương trình giáo dục ngoại khoá về những giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thống của đất và người Hưng Yên