21/11/2024 | lượt xem: 14 Đình Đại Từ được xếp hạng di tích cấp Quốc gia Ngày 20/11/2024, Bộ trưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3537/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với đình Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đình Đại từ là một công trình tín ngưỡng đẹp, mang đặc trưng của ngôi đình làng truyền thống, thờ Thái sư Lưu Cơ là bậc khai quốc công thần nhà Đinh, là vị tướng tài đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước và có nhiều đóng góp xuất sắc trong công cuộc quản lý và xây dựng quốc gia. Ông cũng là vị tướng cai quản, tu tạo thành Đại La liên tục trong vòng 40 năm (971 – 1010) qua ba triều đại, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long thành công tốt đẹp vào năm 1010. Với công lao và đức độ của mình, Thái sư Lưu Cơ đã hóa thần, hiển thánh, sống trong lòng dân và được Nhân dân phụng thờ và phối thờ ở nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên đình Đại từ thuộc thôn Đại từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên mới là nơi ghi dấu ấn sâu đậm nhất của Thái sư Lưu Cơ trong sự nghiệp phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là di tích duy nhất chỉ thờ một vị Thành hoàng là Thái sư Lưu Cơ. (Ảnh - Đình Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm) Theo Thần tích và truyền ngôn của Nhân dân địa phương, đình Đại Từ được xây dựng trên nền ngôi nhà cũ của Tuy Lộc Đại vương Lưu Cơ khi ông đóng quân tại trang Đại Từ nhằm bình định sứ quân Lưu Khuê (Lý Công Lãng) năm 968. Ông cũng đã ban đất cho Nhân dân làng Đại Từ để canh tác và ban tiền cho Nhân dân xây dựng miếu làm nơi thờ tự mình sau này. Đình Đại Từ được khởi dựng từ sớm và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay đình có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Nhị gồm: 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung, cùng một số hạng mục phụ trợ như nghi môn, giải vũ, sân vườn. Các cấu kiện và thành phần kiến trúc được làm theo phong cách kiến trúc truyền thống còn tương đối đồng bộ và vững chắc. Ngoài ra, tại đình còn lưu giữ nhiều di vật tiêu biểu có giá trị như: Thần tích, Đại tự, câu đối,… Theo quyết định xếp hạng, Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. (Như vậy, tính đến nay tỉnh Hưng Yên đã có 177 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 279 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và 08 bảo vật quốc gia) Thu Hường
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thị xã Mỹ Hào
Tập huấn “Nâng cao kỹ năng nhận diện, xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh để bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu”
Hội nghị tập huấn: “Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2024”