Hội nghị tập huấn: “Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2024”

Sáng ngày 15/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn: “Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên đại bàn tỉnh Hưng Yên năm 2024”.

Đồng chí Đào Mạnh Huân – PGĐ Sở VHTTDL phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Hội nghị gồm 02 phần:

Phần 1 - Báo cáo chuyên đề: Các học viên đã được báo cáo viên - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang truyền đạt 02 Chuyên đề: Chuyên đề 1 "Nhận diện giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và sự cần thiết bảo vệ, phát huy”; chuyên đề 2 “Thông tin về Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và ý nghĩa của sự kiện tập huấn thực hành tại Hưng Yên”. NNƯT Dương Thị Phương Đông - Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hóa Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên, trình bày tham luận “Hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt tại Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên”. Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận của thanh đồng, cung văn, các công chức văn hóa xã, phường… về những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản ở địa phương, cơ sở.

Phần 2 - Chương trình thực hành di sản: "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được tổ chức tại đền An Xá (Đậu An), thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ. Tại đây, học viên đã được xem các Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan; Nghệ nhân dân gian Hoàng Văn Long, Nguyễn Thị Huệ, Đào Ngọc Thảnh, Nghệ nhân đồng thầy Hoàng Mạnh Quân thực hành bài bản các giá chầu tiêu biểu như: Chầu Tam Bát Nà Tướng quân, Cô Bé Sa Pa, Quan Lớn Tuần Tranh, Chầu Bé Thượng, Chầu Bé Bắc Lệ...

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Đây là một sinh hoạt tâm linh, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, việc thực hành di sản văn hóa trên đây còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Vì vậy, thông qua lớp tập huấn, các học viên đã được trang bị và bổ sung thêm các kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và được xem các nghệ nhân ưu tú thực hành chuẩn bài bản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Từ đó, nâng cao năng lực công tác quản lý Nhà nước của các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của di sản trong đời sống cho hôm nay và mai sau./.

Mai Quyên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
98 người đang online