03/06/2022 | lượt xem: 2 Họp Hội đồng đánh giá, thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Sáng ngày 02/6/2022, tại hội trường Ban Quản lý di tích tỉnh đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Hội đồng thẩm định) nhằm thẩm định đối với 02 hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể 1lễ hội đền Dạ Trạch (xã Dạ Trạch) và 2lễ hội đền Đa Hòa (xã Bình Minh), huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ông Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc điều hành Sở VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khoái Châu; Ban Quản lý di tích xã Bình Minh, Ban Quản lý di tích xã Dạ Trạch cùng các cán bộ lập hồ sơ khoa học DSVHPVT. Lễ hội đền Đa Hòa và lễ hội đền Dạ Trạch (còn có tên gọi là Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Lễ hội tình yêu) diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 (Âm lịch). Đây là những lễ hội trọng điểm của tỉnh Hưng Yên gắn liền với truyền thuyết về một trong “Tứ bất tử” theo tâm thức dân gian người Việt. Lễ hội chính là dịp để tôn vinh công lao của Đức thánh Chử, cùng nhị vị phu nhân đã mở mang bờ cõi, cứu nhân độ thế. Cả hai lễ hội hiện còn lưu giữ được nhiều nghi lễ cổ xưa vô cùng độc đáo. Nổi bật là lễ rước Thành Hoàng làng của 9 làng thuộc Tổng Mễ xưa về đền Đa Hòa (lễ hội đền Đa Hòa), lễ rước “phát du” (đền Dạ Trạch); Lễ rước nước vô cùng đặc sắc với sự tham gia của đoàn thuyền rồng khổng lồ lướt sóng ra giữa sông Hồng lấy nước về lễ Thánh… Ngoài ra, trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi và diễn xướng dân gian như: Con đĩ đánh bồng, chọi gà, đấu cờ, đi cầu kiều, đập niêu, bắt vịt,... Trong những ngày đền Dạ Trạch mở hội, du khách được thưởng thức các câu hát trống quân đặc sắc, đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia (2016). Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng đã tập trung thảo luận các vấn đề chính như sau: Sự hình thành của lễ hội, diễn trình của lễ hội, các giá trị tiêu biểu của lễ hội và vai trò của lễ hội đối với cộng đồng cư dân nơi diễn ra lễ hội. Từ đó đưa ra các phương hướng để duy trì và phát huy các giá trị của lễ hội trong giai đoạn hiện nay. Sau một thời gian thảo luận, các thành viên trong Hội đồng nhận định: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hoá đặc sắc, thể hiện khát vọng của cư dân nông nghiệp vùng trung du đồng bằng Bắc bộ trong việc chinh phục thiên nhiên, khai phá đầm lầy, mở mang bờ cõi; ước mong mưa thuận gió hoà. Đây không chỉ là một huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người. 100% các thành viên trong Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý Lễ hội đền Đa Hoà và Lễ hội đền Dạ Trạch đủ tiêu chí đề nghị cấp có thẩm quyền đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia./. Theo: Ban quản lý di tích tỉnh
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thị xã Mỹ Hào
Tập huấn “Nâng cao kỹ năng nhận diện, xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh để bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu”