03/10/2020 | lượt xem: 7 Hưng Yên đánh giá, thẩm định hồ sơ 3 hiện vật, nhóm hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2020 Ngày 02 tháng 10 năm 2020, Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp để thẩm định, đóng góp ý kiến hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia năm 2020 đối với 03 hiện vật, nhóm hiện vật. Đồng chí Đoàn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp. Hiện vật thứ nhất là Sưu tập 05 đĩa hoa sen vàng Cộng Vũ hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại kho của Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên. Sưu tập gồm 05 đĩa vàng và 01 vàng cục với trọng lượng gần 1,8kg. Sưu tập 05 đĩa hoa sen vàng Cộng Vũ được phát hiện vào tháng 10 năm 1965, trong quá trình làm thủy lợi, khai rộng sông Cửu An thuộc thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá (Kim Động). Căn cứ vào các họa tiết hoa văn trang trí trên các đĩa, các nhà nghiên cứu đều cho rằng Sưu tập 05 đĩa hoa sen vàng có niên đại thời Lý (thế kỷ thứ XI - XII). Mỗi họa tiết, họa văn trang trí trên đĩa đều được chế tác tinh xảo mang đậm đặc trưng của nền mỹ thuật thời Lý. Hiện vật thứ hai là trống đồng Động Xá. Theo các nhà nghiên cứu, trống đồng Động Xá được xếp vào loại H1, nhóm C trong hệ thống phân loại trống đồng Đông Sơn. Trống có niên đại khoảng thế kỷ thứ II - I TCN. Trống đồng Động Xá được tìm thấy năm 1997 tại cánh đồng thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng (Kim Động). Trống có cấu tạo gồm 4 bộ phận: Mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống. Trống đồng Động Xá mang phong cách đặc trưng của trống Đông Sơn nhưng lại có những điểm rất độc đáo không giống với bất kỳ một trống đồng nào khác đã được phát hiện như: Mặt trống gắn 04 khối tượng chẫu chàng, thân trống đúc nổi những chú trâu, đặc biệt là hình đôi trâu đang giao phối. Trống đồng Động Xá thể hiện sự tiếp biến, giao lưu văn hóa giữa hai nền văn hóa (văn hóa Đông Sơn của người Lạc Việt và văn hóa Điền của người Điền). Hiện vật thứ ba là Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng, xã Minh Hải (Văn Lâm). Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng bao gồm 6 bộ, mỗi bộ gồm 2 thành bậc dàn ngang hợp thành. Tất cả đều được tạo tác liền khối bằng loại đá sa thạch, có dáng hình thanh vuông, đề tài hoa văn trang trí tương tự nhau. Phía trên thành bậc chạm hình sấu thần, phía dưới mặt ngoài thành bậc chạm hình chim phượng đứng múa trên hoa sen, xen kẽ là hình hoa cúc dây mềm mại trong khung hình tam giác. Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng là biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá, thể hiện trí tuệ, óc tưởng tượng và đôi tay tài hoa của nghệ nhân điêu khắc đá thời Lý. Tại cuộc họp, các thành viên trong Hội đồng thẩm định cùng các chuyên gia nhận định 03 hiện vật trên đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chỉ của một Bảo vật quốc gia. Hội đồng tiến hành bỏ phiếu với 100% số phiếu đồng ý đề nghị đưa 03 hiện vật, nhóm hiện vật nêu trên trình các cấp có thâm quyền công nhận bảo vật quốc gia năm 2020. Theo: Ban quản lý di tích tỉnh
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thị xã Mỹ Hào
Tập huấn “Nâng cao kỹ năng nhận diện, xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh để bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu”