Khai mạc lễ hội truyền thống Đền Mây năm 2023 nhân kỷ niệm 1040 năm ngày mất của tướng quân Phạm Bạch Hổ

Đăng ngày 29 - 12 - 2023
100%

Ngày 28/12, (tức ngày 16/11 âm lịch), Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến phối hợp với UBND phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống Đền Mây năm 2023 nhân kỷ niệm 1040 năm ngày mất của tướng quân Phạm Bạch Hổ.

Các đại biểu dự khai mạc lễ hội Đền Mây

Đền Mây là một trong 16 di tích nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến; tọa lạc tại khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn; Đền được thiết kế dạng chữ “Tam”, gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung, với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo. Hiện nay, Đền Mây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá, nghệ thuật như: Đại tự, kiệu Bát cống, châm thư và các sắc phong qua các triều đại phong kiến. Đền Mây là nơi thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ, một vị tướng văn võ song toàn của đất nước.

Theo thần tích xã Đằng Châu, thân mẫu tướng quân Phạm Bạch Hổ một hôm đi chợ về, qua làng Đằng Châu, gặp mưa to gió lớn, phải trú vào ngôi miếu, thấy ánh hào quang rực sáng, liền đó gặp hổ trắng hiện lên. Bà kinh hãi ngất đi, tỉnh lại trời đã tạnh. Sau bà về có mang, sinh ông ngày 10 tháng 1 năm Canh Ngọ (922), đặt tên là Phạm Bạch Hổ. Tráng niên, Bạch Hồ theo Ngô Quyền có tài thao lược, trừng trị Kiều Công Tiễn và đánh quân xâm lược Nam Hán. Đất nước thanh bình, ông xin Ngô Quyền về đất cũ Đằng Châu khai hoang lập ấp. Năm 965, 12 sứ quân nổi lên chiếm giữ các vùng. Phạm Bạch Hổ (xưng Phạm Phòng Át) chiếm giữ Châu Đằng trong ba năm (965 - 967). Đinh Bộ Lĩnh thu phục 12 sứ quân, chấm dứt tình trạng cát cứ. Cảm phục tài đức của Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Phòng Át đem quân theo về, được vua Đinh phong chức Thân vệ tướng quân, luôn được vua trọng dụng. Vào ngày Rằm tháng 11, có một đám mây vàng sà xuống dinh Bạch Hổ. Ông theo mây vàng mà bay đi. Dân Đằng Châu nhớ ơn công đức, tôn ông là Vua Mây và xây miếu thờ ông gọi là Đền Mây. Ở làng Ngọc Đồng, huyện Kim Động xây lăng thờ ông, vì thế trong dân gian có câu: "Miếu làng Đằng, lăng làng Đồng". Trong dân gian còn truyền nhau những câu chuyện kỳ lạ tại đền Mây. Tương truyền rằng, lúc chưa lên ngôi vua Lê Ngọa Triều (tức Lê Long Đĩnh), thường bơi thuyền dạo chơi ở Đằng Châu. Một hôm thuyền đang trên sông bỗng mây kéo đến tối sầm, gió thổi rất mạnh, mưa sắp đổ xuống, Long Đĩnh tìm nơi trú ẩn, thấy trên bờ sông có đền, mới hỏi người làng rằng: “Đền thờ thần gì?”, người làng thưa: “Đây là đền thờ thần thổ địa”. Vương hỏi “có thiêng không?” người dân thưa: “Đây là chỗ dựa của một châu, lễ cầu mưa, cầu tạnh đều rất ứng”. Vương bèn nói to lên rằng: "Nếu thần thử khiến cho bên này sông tạnh, bên kia sông mưa, thế mới thật là thiêng!”. Nói xong quả nhiên nửa sông bên kia mưa rất to, nửa sông bên này chỉ có gió mát. Long Đĩnh không bị ướt, lấy làm lạ sau mới sai người tu bổ lại đền thờ. Thời vua Lý Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành lần thứ 2, qua đền Đằng Châu mới dừng nghỉ ngơi và cho người sắm sửa lễ vật mang vào cầu thần phù giúp thắng trận. Đêm đó, thần báo mộng cho vua hãy tiến quân.Tuy nhiên, lúc đó quân nhà Lý dùng thuyền xuôi phương Nam nhưng gặp gió thổi ngược. Thần liền hóa thành con chim đậu trên cột buồm. Trời đang gió Nam chuyển thành gió Bắc. Đại quân chiến thuyền thuận gió nên tiến rất nhanh đến cửa Tư Dung. Khi đó, quân Chiêm Thành đã bày trận sẵn sàng giáp chiến. Tình thế bất lợi cho quân nhà Lý vì phải có thời gian lên bờ. Bỗng trên mặt nước xuất hiện từng đàn cá nổi lên tạo thành con đường cho quân lính đổ bộ. Quân Chiêm xông đến, chưa kịp giao tranh thì một cơn giông nổi lên, cát bụi cuốn vào trận địa. Quân Chiêm hoảng hồn, rối loạn, quân Lý nhân thế phá trận đánh bại quân Chiêm Thành. Sau vua Lý Thái Tông đã cho ghi vào điển tích chuyện vua Mây và ban tám chữ: “Điểu tích truyền binh/Ngư đầu hộ độ”./.

Tin mới nhất

Trùng tu, tôn tạo di tích từ nguồn lực xã hội hóa(21/03/2024 1:07 CH)

Khai mạc Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024(01/03/2024 2:24 CH)

Các huyện Yên Mỹ, Phù Cừ: Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng năm 2024(29/02/2024 2:06 CH)

Thành phố Hưng Yên: Phát huy giá trị các di tích(28/02/2024 2:16 CH)

Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng huyện Khoái Châu lần thứ XI(28/02/2024 2:11 CH)

Triển lãm thư pháp, hát ca trù và cho chữ đầu xuân(14/02/2024 1:35 CH)

Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng huyện Kim Động lần thứ VII(22/01/2024 2:54 CH)

Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng huyện Ân Thi lần thứ XI năm 2024(20/01/2024 3:04 CH)

°
212 người đang online