Sôi nổi hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Trong thời gian qua, hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, trở thành" món ăn" tinh thần bổ ích, lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Mặc dù đang là thời điểm bận rộn nhất nhưng các thành viên Câu lạc bộ văn nghệ thôn Lạc Thủy (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu) vẫn tập hợp lại, dành một khoảng thời gian trong ngày để cùng tập luyện các tiết mục biểu diễn nhân dịp 133 năm Ngày sinh nhật Bác. Tuy là những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng các diễn viên không chuyên luôn thể hiện hết mình, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Đặc biệt, thông qua các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc đã góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, hun đúc tinh thần yêu quê hương đất nước, tuyên truyền xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong khu dân cư. Bà Vũ Thị Lụa, thành viên Câu lạc bộ văn nghệ thôn Lạc Thủy cho hay: Chúng tôi đều là những người say mê ca hát, mong muốn giữ gìn và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, khơi dậy phong trào văn nghệ của địa phương. Câu lạc bộ còn là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần để các thành viên hăng hái lao động, sản xuất và học tập.

Gác lại những lo toan của cuộc sống và công việc thường ngày, mỗi tối khoảng 19h30’ các thành viên câu lạc bộ văn nghệ thôn Mễ Đậu (xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm) lại gặp gỡ, tập luyện, giao lưu cất vang lời ca tiếng hát, các điệu múa, nhạc cụ truyền thống. Không chỉ biểu diễn phục vụ chính trị, các hoạt động văn hóa, sự kiện tại xã mà câu lạc bộ còn là lực lượng nòng cốt tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ của huyện, của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 1.560 câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ quần chúng ở các địa phương cơ sở. Mỗi câu lạc bộ, tổ, đội có từ 10 đến 40 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động. Các câu lạc hoạt động chủ yếu theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí để sinh hoạt, thuê trang phục biểu diễn. Nhiều đội hoạt động tích cực, hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương. Trung bình hằng năm, có trên 20.000 hoạt động, sự kiện văn hóa văn nghệ tỉnh đến cơ sở được tổ chức. Bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa, những “diễn viên không chuyên” đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo khán giả có mặt cổ vũ, thưởng thức; điều đó đã khẳng định sức hấp dẫn, vị trí của nghệ thuật quần chúng trong đời sống nhân dân.

Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tạo không gian văn hóa giúp cho hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng lan tỏa sau rộng, thông qua việc tổ chức các Liên hoan, Hội diễn, Hội thi văn nghệ quần chúng.  Liên hoan văn nghệ quần chúng là một trong những hoạt động văn hóa, văn nghệ tiêu biểu được tổ chức hằng năm trên địa bàn tỉnh với sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của các diễn viên không chuyên, thể hiện khí thế mạnh mẽ của phong trào văn nghệ quần chúng. Tham gia biểu diễn các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch... là những cán bộ, người dân đang công tác và sinh sống tại các địa phương, kết nối với nhau bằng niềm đam mê và niềm yêu thích nghệ thuật. Cùng với đó, các tiết mục biểu diễn ngày càng đầu tư hơn, có kịch bản, đạo diễn, biên đạo... Thậm chí nhiều tiết mục đã xóa ranh giới giữa chuyên nghiệp và không chuyên, để lại ấn tượng sâu đậm đối với khán giả, qua đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị, địa phương đối với phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các đội tuyên truyền lưu động từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo phát triển văn hoá nghệ thuật của đông đảo nhân dân. Nét mới ở đây chính là sự đa dạng của các chương trình để có thể thu hút nhiều ngành, nhiều giới cùng tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của các nhóm đối tượng khác nhau. Ngành nào, giới nào cũng có các hoạt động đầy tính sáng tạo, thể hiện đặc trưng riêng của mình. Lực lượng vũ trang có hội diễn văn nghệ quần chúng, Tiếng hát thanh niên tòng quân...; Liên đoàn Lao động có Liên hoan Tiếng hát Công nhân viên chức lao động; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, hội thi đồng diễn nhảy hiện đại, đêm hội trăng rằm..; Hội Người cao tuổi có Hội thao và văn nghệ người cao tuổi; ngành Giáo dục và Đào tạo có hội thi, liên hoan Tiếng hát giáo viên, học sinh, sinh viên, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội có ngày hội trẻ em... Cùng với các chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện, ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước, các địa phương còn chú trọng thực hiện các chương trình văn nghệ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo ra các hoạt động vui chơi văn hóa lành mạnh trong nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, đồng thời thiết thực phát huy bản sắc văn hóa Hưng Yên.

Huyện Văn Lâm là một trong những địa phương thực hiện thường xuyên, hiệu quả hoạt động văn nghệ quần chúng. Ngoài các chương trình phục vụ các sự kiện trọng đại của dân tộc, hằng năm, Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trong đó huyện chú trọng các hoạt động kết nối, hướng về cơ sở. Cụ thể, tháng Hai là những giai điệu tươi vui với chủ đề mừng Đảng - mừng Xuân; tháng Năm là thời điểm ưu tiên cho chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh; tháng Bảy và tháng Tám ngợi ca các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám… Ông Hoàng Hữu Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện Văn Lâm cho biết: “Cùng với các sự kiện, ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước, Trung tâm còn chú trọng thực hiện những chương trình văn nghệ mang tính chất vừa tuyên truyền, vừa giải trí về xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, phòng chống tệ nạ xã hội… Để nâng cao chất lượng và phát triển lâu dài hoạt động, chúng tôi cũng tích cực tìm kiếm những “hạt nhân” tiêu biểu trong phong trào văn nghệ tại các địa phương, trường học, cơ quan, đơn vị trong huyện để bổ sung lực lượng”. 

Đáng chú ý, các hoạt động hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên hơn từ các cấp cơ sở. Sau những buổi lao động vất vả trên đồng ruộng, nông dân cùng nhau vui vẻ tập luyện múa, hát. Tuy các tiết mục còn chưa “chuyên nghiệp” nhưng đều được các đội thể hiện sinh động, vui tươi và đặc biệt đã tạo được không khí vui vẻ, đoàn kết mọi người dân trong thôn, xóm với nhau. Đặc biệt, vào các ngày lễ lớn hay các ngày kỷ niệm, các cơ quan, đơn vị, trường học cũng tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, buổi liên hoan văn nghệ gắn với những ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của địa phương, của ngành với nhiều chủ đề phong phú. Với từng chủ đề chương trình, các đơn vị đều có sự đầu tư kỹ về mọi mặt từ nội dung, diễn xuất đến trang phục đạo cụ…, trong đó nhiều đơn vị đã xây dựng các chương trình, các tác phẩm giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc của từng địa phương đã được các đơn vị biểu diễn dưới các hình thức sân khấu hóa… đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn nghệ quần chúng tại cơ sở cũng đối mặt với một số khó khăn như: Nguồn kinh phí eo hẹp, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn nên nhiều địa phương không thể tổ chức biểu diễn; hoạt động văn nghệ quần chúng nhiều nơi còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân, một phần do cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn....

Để tiếp tục lan tỏa sâu rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả; tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để nâng cao hơn nữa chất lượng những chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, để duy trì, phát triển các câu lac bộ thì ban chủ nhiệm các câu lạc bộ hoặc đại diện các tổ, đội nhóm cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương./.

Kim Vui

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
99 người đang online