Giới thiệu Luật Thanh tra năm 2022

Đăng ngày 30 - 06 - 2023
100%

Ngày 14 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 năm 2022 thay thế Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 năm 2010. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Theo đó, Luật Thanh tra năm 2022 có 10 điểm mới với những nội dung cụ thể như sau:

1. Tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 có tất cả 08 Chương và 118 Điều. 

2. Điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra năm 2022 là Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 03 trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

3. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 26 quy định, thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: “Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đối với các sở không thành lập Thanh tra sở thì Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở (điểm đ khoản 1 Điều 23).

4. Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra: Theo khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

5. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra: Đối với Luật Thanh tra năm 2022, tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn riêng (Điều 40 và Điều 41). 

6. Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên: Theo khoản 1 Điều 42 thì việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây: Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành; vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra năm 2022; không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm; người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch; trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

7. Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước: Thêm nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra, hiện hành, kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra chỉ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc quản lý, cấp và sử dụng ngân sách của cơ quan thanh tra nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Theo Điều 112, ngoài nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra. Đối với các cơ quan thanh tra thuộc Bộ, thuộc UBND tỉnh thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để tăng cường hoạt động thanh tra và thúc đẩy hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

8. Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra: Tại Chương VI Luật Thanh tra năm 2022, đã có sự quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra.

9. Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra: Việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra đã được quy định tại Điều 98 với nội dung như sau: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

10. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2022.

Tải: Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 năm 2022

Tin mới nhất

Tuyên truyền phổ biến pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam(06/11/2023 4:04 CH)

°
169 người đang online