Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đăng ngày 20 - 03 - 2024
100%

Người chiến sĩ cộng sản tiên phong, tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Nguyễn Lương Bằng, trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Đồng chí đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 02/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện (Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Khi trưởng thành, từ 13 tuổi Đồng chí đã sống tự lập, làm nhiều nghề để sinh sống; tự học tập lúc mới 17 tuổi. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, năm 1925, sau khi sang Quảng Châu, Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đồng chí đã sớm được giác ngộ và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau khi được theo học và hoàn thành khóa huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, tháng 9/1926, Đồng chí rời Quảng Châu về nước làm hoạt động, để thiết lập hệ thống liên lạc Hải Phòng - Hương Cảng (Hồng Kông) - Quảng Châu, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về trong nước, vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình...; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Bác Hồ với bộ đội Hải quân tháng 3 năm 1959 (ảnh sưu tầm)

Từ tháng 10/1927, Đồng chí vào Sài Gòn tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên. Với vai trò là một trong những người tiên phong chỉ trong thời gian ngắn, Đồng chí đã tổ chức thắng lợi việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, xây dựng thành công các cơ sở cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng như thiết lập thành công hệ thống giao thông liên lạc trong nước với nước ngoài trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trước sự truy sát của kẻ thù. 

Theo chủ trương của tổ chức, tháng 12/1928, Đồng chí trở lại Hải Phòng hoạt động trong phong trào công nhân và tình nguyện đi vào phong trào “vô sản hóa”. Góp phần thúc đẩy sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, đẩy nhanh quá trình vận động tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Đồng chí là một trong những người tiên phong trong công tác vận động công nhân, binh lính đã thành công trong việc hình thành tổ chức đầu tiên của công nhân và binh lính người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài. 

Trong quá trình hoạt động cách mạng đầy cam go, thử thách, Đồng chí đã từng bước trưởng thành. Từ hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên điều động Đồng chí sang công tác ở Hương Cảng (Hồng Kông). Tại đây, tháng 10/1929, Đồng chí được kết nạp vào chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 12/1929, Đồng chí đến Thượng Hải (Trung Quốc) gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong tô giới Pháp. Năm 1931, Đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải, áp giải về nước; lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Sau khi bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân, Đồng chí lần lượt bị giam tại nhà lao Hải Dương, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 12/1932, Đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân. Tháng 5/1935, Đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La. 

Nung nấu ý trí đấu tranh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhiều lần bị địch bắt, đầy ải, trong nhà tù và trên đường bị địch áp giải, Đồng chí vẫn trước sau như một, luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, mưu trí. Đồng chí vẫn vạch trần chế độ bất công trong quân đội địch, sự ngược đãi của bọn chỉ huy với binh lính, tranh thủ tuyên truyền, giác ngộ binh lính địch, chỉ cho họ hiểu rõ nỗi thống khổ của đồng bào và trách nhiệm phải giải phóng Nhân dân. Đồng chí là một trong những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, nêu cao tinh thần bất khuất trước quân thù: vận động mọi người tiến hành tuyệt thực, làm cho máu chảy, thậm chí phải mổ bụng để kẻ địch phải nhượng bộ. Đã hai lần Đồng chí quyết tâm, anh dũng, mưu trí tổ chức vượt ngục thành công để trở về với Đảng, với cách mạng. Hơn mười năm tù đày, phải đương đầu với bao cửa ải thử thách: tra tấn, bệnh tật, sự hiểm nguy của hai lần vượt ngục... không khuất phục được người chiến sĩ “gan vàng, dạ sắt”. 

Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng tiếp đồng chí Gu xốp và Đoàn đại biểu Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Hà Nội 1976 (ảnh sưu tầm)

Tháng 8/1943, cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng; Đồng chí được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang, Đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng; vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam; là Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, sau là Ban Tài chính Trung ương (1947 - 1951); người đầu tiên tổ chức, xây dựng và được Đảng giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách kinh tế - tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951 - 1952) (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khẩn trương chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám; là Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952 - 1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956 - 1960); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960 - 1969); được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước (1969 - 1979). 

Những nhiệm vụ mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao luôn đòi hỏi phải có bản lĩnh can trường, trí tuệ, phải vừa học, vừa làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính thực tiễn cách mạng ấy đã tạo nên bản lĩnh kiên cường Nguyễn Lương Bằng và hình thành phương pháp làm việc cũng như lối sống giản dị, nhân văn của Đồng chí.

Đồng chí được các đồng đội gọi với tên thân mật là Anh Cả, (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân...), lưu truyền trong các thế hệ cách mạng hai tên gọi biểu tượng: “Sao Đỏ” bí danh biểu tượng cho ý chí kiên cường của người cộng sản và “Anh Cả” biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em. Điều đó thể hiện sự tôn vinh và ngưỡng mộ của những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng cùng thế hệ đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng; không chỉ xuất phát từ những công lao mà bắt nguồn chính từ phẩm chất chất đạo đức cao đẹp đã trở thành biểu tượng của Đồng chí: nói đi đôi với làm, không ham danh vị, lợi quyền, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào, Đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo đến hạnh phúc của Nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn. Cuộc đời hoạt động của đồng chí là một tấm gương sáng của người cộng sản Việt Nam, vừa giàu tinh thần yêu nước, vừa giàu tinh thần quốc tế vô sản. Nói thẳng, nói thật, giữ vững nguyên tắc nhưng thấm đượm tinh thần nhân văn trong hoạt động thực tiễn là phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Lương Bằng mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta hết sức trân trọng. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đồng chí kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong Đảng; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện, cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân; chú trọng giữ gìn, xây dựng, bảo vệ Đảng trong sạch, vững mạnh. 

Ngày 20/7/1979, do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần, hưởng thọ 75 tuổi. Với hơn nửa thế kỷ phấn đấu hoạt động cách mang dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng vì những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, trong bối cảnh các cấp, các ngành đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21- KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Là dịp để chúng ta tri ân và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tin mới nhất

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh (1969-2024) và...(13/08/2024 4:06 CH)

Cụm thi đua số 1, sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2024(03/08/2024 9:06 SA)

Sở VHTTDL triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024(06/07/2024 3:33 CH)

Ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...(22/06/2024 4:10 CH)

Giám đốc Sở VHTTDL chỉ đạo, thực hiện nghiêm các quy định trong giải quyết TTHC (30/05/2024 4:55 CH)

Tăng cường quản lý công tác tuyên truyền cổ động, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh(09/05/2024 9:43 SA)

Hội nghị tập huấn triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy...(30/03/2024 1:24 CH)

Đảng ủy Sở VHTTDL tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng năm 2024.(17/01/2024 1:58 CH)

°
76 người đang online