Chuyển biến trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Đăng ngày 11 - 01 - 2024
100%

Trong thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa (XDĐSVH) cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát triển, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, ngay từ đầu năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cơ sở triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu trong công tác tổ chức, đăng ký các danh hiệu văn hóa, đồng thời hướng dẫn các bình xét các danh hiệu văn hóa gắn với công tác bình xét các danh hiệu cuối năm; tăng cường hoạt động tuyên truyền về công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa…với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lưu động, cổ động trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu tập trung dân cư, biên soạn, in cấp phát các tài liệu; phối hợp tích cực với các ngành thành viên Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh đôn đốc, kiếm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện XDĐSVH phù hợp với điều kiện của từng địa phương, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Thị xã Mỹ Hào là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả phong trào XDĐSVH cơ sở. Bằng nhiều hình thức thực hiện, thị xã Mỹ Hào đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân và mọi nguồn lực xã hội để thực hiện phong trào. Năm 2023, toàn huyện có 100% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa, tổ dân văn hóa; 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa... Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thị xã quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở địa phương phát triển rộng khắp, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, góp phần khơi dậy, gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương.

Đối với phong trào XDĐSVH cơ sở lại được huyện Khoái Châu hướng đến mục tiêu vừa phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với quy luật phát triển của xã hội; trong đó huyện đặc biệt quan tâm đến phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Từ phương châm ấy đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo, thực hiện và có bước phát triển cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu; tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Năm 2023 đã, huyện đã công nhận 100/105 thôn danh hiệu làng văn hóa (đạt tỷ lệ 95,2%); có 92,5% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Trên địa bàn huyện đã hình thành các tổ, đội văn nghệ ở các khu dân cư và trong các ngành, như: công an, quân đội, giáo dục...

Điểm nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong năm qua là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, các tiêu chuẩn xây dựng Gia đình văn hoá, Khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, đã tạo được phong trào thi đua rộng lớn từ trong mỗi gia đình, trên địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Năm 2023, toàn tỉnh có 92,2% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 89,8% khu dân cư đạt danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ‘‘Ngày chủ nhật xanh”,  mô hình “Tự quản an ninh trật tự ”… duy trì hiệu quả tại cộng đồng.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội có bước chuyển biến rõ nét, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi ở các địa phương, trong các cơ quan, đơn vị. Việc cưới theo nếp sống văn minh về cơ bản được tổ chức với tinh thần trang trọng, không phô trương hình thức, giảm được các hiện tượng tiêu cực, gọn nhẹ, khách mời chủ yếu trong phạm vi gia đình, anh em bạn bè thân thích. Đã xây dựng được các mô hình, cách làm hay với các hình thức: Tổ chức tiệc trà, dùng hình thức báo hỷ, một số đám cưới được chi đoàn thanh niên đứng ra tổ chức gọn nhẹ không phô trương, vừa tiết kiệm được thời gian và tiền của mà vẫn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi. Việc tang hiện nay đã giảm được các thủ tục rườm rà, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.Việc tổ chức ăn uống trong thời gian tang lễ chỉ thực hiện trong phạm vi nội bộ gia đình, dòng họ, theo nghi thức truyền thống. Việc mừng thọ được các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức với hình thức trang trọng, ý nghĩa, tiết kiệm.

Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở tiếp tục được các địa phương quan tâm đầu tư hoàn thiện, đổi mới phương hoạt động nhằm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất. Năm 2023, toàn tỉnh xây dựng mới  32 nhà văn hóa thôn, 3 Trung tâm Văn hóa xã. Đến nay, toàn tỉnh 130/161 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hoá độc lập (đạt 80,7%), 31/161 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã kiêm chức năng Trung tâm Văn hoá (chiếm 19,3%); 760/832 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá độc lập (đạt 90,4%), 72/832 thôn, tổ dân phố dùng các thiết chế khác kiêm chức năng nhà văn hoá (chiếm 9,6%). 83% Trung tâm Văn hóa cấp xã, 74% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hiện có đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhờ khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống  thiết chế văn hóa cơ sở mà phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể lan tỏa sâu rộng tới các tầng lớp nhận dân địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh duy trì 1.560 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, 1.670 câu lạc bộ thể dục thể thao quần chúng.

Tinh thần tương thân tương ái được phát huy mạnh mẽ, hình thành lối sống đẹp trong cộng đồng. Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn, hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Toàn tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa cho 894 nhà "Đại đoàn kết" với tổng kinh phí 57,92 tỷ đồng. Hằng trăm các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn…được tặng quà nhân các dịp lễ, tết. Các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được lan tỏa.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai phong trào XDĐSVH cơ sở ở một số địa phương trong tỉnh cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ; nhiều thôn, làng văn hóa sau khi được công nhận có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, dẫn đến giảm sút về chất lượng; kinh phí đầu tư cho phát triển và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao còn hạn chế dẫn đến hiệu quả tổ chức hoạt động chưa cao...

Để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân, vận động về XDĐSVH, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; bám sát thực tiễn, xây dựng chương trình, kế hoạch có tính khả thi, kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin, giải trí, đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội… để nâng cao hiệu quả tổng hợp trong xây dựng đời sống văn hóa. Nâng cao chất lượng công tác bình xét các danh hiệu văn hóa theo hướng thực chất, tránh hình thức. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Duy trì, đổi mới hoạt động các câu lạc bộ sở thích, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở… theo đặc điểm dân cư, văn hóa, nghề nghiệp, lứa tuổi... để tác động trực tiếp vào tình cảm, nhận thức thẩm mỹ của người dân. Khơi gợi, tạo điều kiện để phát huy nguồn lực sáng tạo vô tận trong nhân dân, để người dân bộc lộ năng khiếu, sở thích, tự sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Tổ chức tốt hoạt động tại các nhà truyền thống, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội tại địa phương… để giáo dục chính trị, tư tưởng và lịch sử, văn hóa truyền thống cho người dân. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác văn hóa, thể thao để hướng dẫn, tổ chức thực hiện đời sống văn hóa ở cơ sở đạt chất lượng, hiệu quả./.

Tin mới nhất

Hội nghị tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động câu lạc bộ...(04/06/2024 2:43 CH)

Hội nghị tập huấn Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của...(04/04/2024 8:54 SA)

Lan tỏa những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu(16/01/2024 2:06 CH)

Gương người phụ nữ mẫu mực trong công tác và chăm sóc gia đình(11/01/2024 3:21 CH)

Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030(13/10/2023 3:17 CH)

Tổng kết 5 năm phong trào xây dựng gia đình văn hoá và biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất...(27/06/2023 4:22 CH)

Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn...(26/12/2020 8:51 SA)

Triển khai nhiệm vụ phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2020(10/01/2020 3:58 CH)

°
93 người đang online